Vào những ngày TP Thanh Hóa ngập nắng, rực rỡ màu cờ đón chào Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn..., tôi đã được trò chuyện với Anh hùng Lực lượng vũ trang Vũ Ngọc Đỉnh - một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp “ách” (Aces) – một danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ hai, dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên, bằng cách rất đặc biệt.

Trước khi có cuộc trò chuyện “bất đắc dĩ này”, tôi đã lên kịch bản cho một cuộc gặp gỡ ở thủ đô Hà Nội. Gọi cho NSND Thu Hiền – vợ ông, tôi mới biết ông bà đã vào TP Hồ Chí Minh sinh sống nhiều năm nay. Một kế hoạch khác nảy ra trong đầu, tôi gọi ngay cho một đồng nghiệp, hiện đang công tác trong TP Hồ Chí Minh. Có quá nhiều điều tôi mong muốn ở bài viết về ông, tuy nhiên, sự không thành, tôi chỉ có thể trò chuyện, hỏi han ông qua điện thoại. Ấy vậy mà, cuộc trò chuyện qua điện thoại tưởng không hay mà lại hay không tưởng.

Tôi bấm máy gọi, giọng trầm ấm mang đậm âm điệu miền trung cất lên. Một cảm giác rạo rực, lâng lâng đầy ngưỡng mộ tràn ngập, tôi thầm cảm ơn vì ông vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn. Sau khi giới thiệu mình là phóng viên Báo Thanh Hóa, ông đã nói ngay: “Ôi! Người Thanh Hóa à?”, “Tiếc quá nhỉ! Ông vừa về thăm quê mấy tháng trước”... Cách nói hồn hậu, gần gũi như người thân trong gia đình và chất giọng đặc trưng của miền trung dường như vẫn còn vẹn nguyên ở vị Đại tá già. Để rồi khi trò chuyện, nhắc về quê hương, giọng nói ông trở nên tha thiết, tôi cảm nhận sâu sắc tình cảm mà ông dành cho “nơi chôn rau cắt rốn”.

Quê ông ở thôn Vĩnh Xuyên, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc. Xa quê nhiều năm, chỉ trở về khi có dịp. Thế nhưng, ông vẫn luôn theo dõi từng bước đổi thay, phát triển của Thanh Hóa: “Quê mình giờ đổi thay nhiều quá, từ đường làng, ngõ xóm đến con người đều tươm tất, tốt đẹp hơn. Ông rất vui và tự hào. Ông vẫn thường kể cho các cháu nghe về một mảnh đất nhọc nhằn chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn nhưng anh hùng, được trui rèn qua bom đạn kẻ thù. Ông hiểu, cái cây phải có lõi mới đứng được trước phong ba bão táp, giống như con người phải nhớ nguồn gốc, tôn trọng truyền thống dân tộc mình mới chiến đấu và chiến thắng được mọi kẻ thù. Dân tộc Việt Nam là vậy, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa chúng ta cũng vậy”.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền bắc, ông tham gia chiến đấu 8 trận, bắn 12 quả đạn, hạ được 6 máy bay thuộc loại sừng sỏ của không quân Mỹ (gồm 3 F105-D, 1 F4-D, 1 trực thăng HH-53, cùng 1 EB-66 tác chiến điện tử); và chỉ huy biên đội bắn rơi 5 chiếc khác. Trong đó, trận không chiến giữa biên đội Mig 21 của ông và phi công Nguyễn Đǎng Kính triệt hạ máy bay EB - 66 của Mỹ vào ngày 19/11/1967, được xem là trận đánh lịch sử.

Cụ thể, trong thời kỳ đánh phá dữ dội miền Bắc (1965 - 1973), để đối phó với lực lượng phòng không của ta, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh điện tử quy mô cực lớn với rất nhiều phương tiện tác chiến điện tử tối tân, trong đó có máy bay EB - 66. Đây loại máy bay tác chiến điện tử gây nhiễu ngoài đội hình để che chắn các máy bay đánh phá miền Bắc. Một chiếc EB - 66 được trang bị 12 máy gây nhiễu các loại, có thể gây nhiễu bao trùm lên dải tần tử 40 - 3500 MHz, chế áp đồng thời nhiều đài ra-đa. Mỗi đợt oanh tạc, không quân Mỹ thường sử dụng tốp 2 chiếc, tạo ra màn nhiễu dày đặc làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chiến đấu của ta. Do đó, cần phải tiêu diệt loại máy bay tác chiến điện tử nguy hiểm này thì mới phá được tận gốc lớp “vỏ giáp điện tử” lợi hại của không quân Mỹ. Nhưng sau nhiều lần quân ta xuất kích đánh địch đều không hạ được, có phi công buộc phải nhảy dù, có người đã hy sinh. Vì thế, ai cũng khao khát hạ được EB - 66 để trả thù cho đồng đội.

Đại tá Tạ Quốc Hưng - một trong những sĩ quan dẫn đường hàng đầu Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn với báo chí kể lại: “Tin báo về là từ 6 - 7h có một đợt hoạt động của hải quân địch, từ 7 - 8h có một đợt hoạt động lớn của không quân địch. Tức là máy bay Mỹ cất cánh từ Thái Lan sang đánh ta. Hôm đó điều kiện thời tiết tốt, tiêm kích có thể cất cánh được mà không bị ảnh hưởng. Trực Sở Chỉ huy lúc bấy giờ là Trung đoàn phó (Trung đoàn 921 - Đoàn Không quân Sao Đỏ -TS) Trần Hanh. Tôi báo cáo với ông Hanh khả năng 'thằng này' là trinh sát điện tử phục vụ cho không quân Mỹ vào đánh. Lát sau, Đại đội ra-đa 43 (đặt tại làng Tân Trại, cạnh sân bay Nội Bài) nhận định đây đúng là tốp EB - 66 hoạt động ở khu vực Hồi Xuân - Lang Chánh (Thanh Hóa). EB - 66 hay được tiêm kích yểm hộ, trước đây, ta không đánh được EB - 66 là do không bóc tách được vỏ tiêm kích này”.

Trực đánh EB - 66 hôm đó là phi công MiG 21 Vũ Ngọc Đỉnh bay số 1 và Nguyễn Đăng Kính số 2. Sau khi phân tích mọi yếu tố liên quan, Đại tá Hưng nói với 2 phi công thời gian cất cánh, hướng đi, nâng dần độ cao khoảng cách bay trên địa tiêu khoảng 300 - 500m (địa tiêu là các đỉnh núi). Địch triển khai 2 chiếc EB - 66, bay hoàn toàn ngược chiều nhau, một bên cao, một bên thấp. Đại tá Hưng thông báo với phi công mục tiêu địch ở bên trái và phi công Nguyễn Đăng Kính đã phát hiện ra nhưng ngay sau đó lại báo mục tiêu sang bên phải. Lúc bấy giờ, phi công Đỉnh báo cáo đã nhìn thấy máy bay địch và bám theo mục tiêu, nhưng địch đã phát hiện ra và bỏ chạy. Đúng lúc đó, tiêm kích F4 của địch yểm hộ nổi lên từ các hướng Ba Vì, Tam Đảo, Thanh Sơn. Thấy tình hình nguy cấp, Đại tá Hưng báo cáo Trung đoàn phó Trần Hanh là không thể đánh được nữa. Phi công Vũ Ngọc Đỉnh vẫn tiếp tục xin đánh nhưng Đại tá Hưng yêu cầu thoát ly ngay để tập trung dẫn phi công Kính. Khi đó, phi công Kính báo vẫn đang bám chốt, xin phép được công kích. Bấy giờ, máy bay tiêm kích của ta chỉ có 2 quả tên lửa. Bắn phát đầu tiên, tên lửa nổ đằng sau máy bay địch. Phi công Kính không thể bắn bằng ra-đa vì sẽ bị máy bay địch phát hiện, nên dùng máy bắn quang hợp. Sau khi phi công Kính bắn tiếp quả thứ 2, EB - 66 vẫn chưa phát hiện ra và tiếp tục bay ở phía trước. Khi hạ cánh, phi công nói rằng có cảm giác trượt mất, vì tên lửa đến gần máy bay vẫn chưa nổ. Nhưng sau đó thì tên lửa quặp hẳn vào máy bay. Chiếc EB - 66 bị rơi ở biên giới Việt - Lào. Hạ được máy bay RB-66 đã tạo thuận lợi cho tên lửa và pháp cao xạ của ta ở mặt đất bắn rơi 12 chiếc máy bay địch.

Gần 1 tháng sau (22/12/1967), trên vùng trời tỉnh Phú Thọ, điều khiển chiếc MiG 21, phi công Vũ Ngọc Đỉnh lại dẫn đầu biên đội xông vào đội hình 47 chiếc máy bay địch, bắn hai quả tên lửa, hạ 2 chiếc F-105, góp phần bẻ gãy mũi tiến công của địch dự định đánh phá sân bay Nội Bài. Với những chiến công liên tiếp, tháng 8/1970, phi công Vũ Ngọc Đỉnh được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khi ấy ông đã là đảng viên, giữ quân hàm Đại úy, thuộc Đoàn Không quân Sao Đỏ.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông về công tác tại Trường Sĩ quan Không quân. Hình ảnh một phi công, một người thầy lịch lãm, tài hoa, quyết đoán, sống giàu tình cảm, nhưng nghiêm khắc và luôn yêu cầu cao đối với cấp dưới khắc ghi trong lòng nhiều thế hệ học viên nơi đây. Sỹ quan không quân Lê Phi Hùng từng chia sẻ về người thầy của mình: Khi là hiệu trưởng, Đại tá Vũ Ngọc Đỉnh nổi tiếng là người có trí nhớ tuyệt vời, nghiêm khắc và chỉn chu trong công việc. Tuy không trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên, nhưng hễ phát hiện ra điều gì chưa đúng của chúng tôi là ông chấn chỉnh, xử phạt ngay. Có lần mấy cậu lớp tôi đứng trên giảng đường lỡ nghêu ngao một câu hát tự chế đúng lúc ông đi ăn cơm trưa và nghe thấy, ông yêu cầu Thiếu tá Huỳnh Trung, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 quản lý học viên của chúng tôi đạp xe lên gặp ngay. Tôi nghe loáng thoáng hiệu trưởng nói với Thiếu tá Huỳnh Trung đại ý rằng, anh quản lý học viên thế nào mà để hát linh tinh như vậy? Thế là sau bữa trưa hôm đó, chúng tôi phải đứng xếp hàng gần hai giờ đồng hồ để nghe cấp trên chấn chỉnh. Rồi một số học viên bay vượt rào ra phố chơi, cũng bị hiệu trưởng phạt dọn vệ sinh và cho ra quân. Nhưng ai cũng phải thừa nhận, chính sự nghiêm khắc của ông đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên của Trường Sĩ quan Không quân ngày đó. Giai đoạn Đại tá Vũ Ngọc Đỉnh làm hiệu trưởng (1980-1989) là thời kỳ mà Trường Sĩ quan Không quân đào tạo được nhiều sĩ quan và phi công xuất sắc cho quân đội.

Tôi hỏi câu cuối cùng cho buổi chuyện trò đầy thú vị này: “Ông có nhớ Tết quê mình không ạ?”. Lặng đi một lát, ông nhẹ nhàng: "Nhớ chứ!. Đối với ông, nỗi nhớ về quê hương chỉ tăng thêm theo thời gian chứ chưa bao giờ hết nhớ, vẫn tròn đầy, vẹn nguyên. Dành cả cuộc đời gắn liền với binh nghiệp, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc…, ở tuổi 84, ông chỉ mong bản thân và gia đình khỏe mạnh, Tết về quây quần bên các con cháu. Người già mà, gia đình đoàn tụ là niềm vui lớn nhất”.

Câu chuyện với người lính phi công Anh hùng, cứ giản dị vậy thôi mà sâu sắc. Tắt máy, tôi cứ suy nghĩ mãi. Anh hùng khác người thường ở chỗ nào? Phải chăng vì họ biết làm những việc phi thường một cách bình thường và biết sống bình thường khi đã trở thành phi thường?

Nội dung: Tăng Thúy

Ảnh: Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền