Mùa này dòng sông có vẻ rộng hơn, trĩu nặng phù sa trôi về xuôi như mang bao nhớ nhung của một vùng núi non về với đồng bằng êm đềm tĩnh lặng phía xa. Mỗi lần trở về đây, chị thường kín đáo ngắm nhìn dòng sông bằng sự tò mò và cảm giác thân thương của một cố nhân lâu ngày không gặp. Dòng sông dường như hiểu nỗi xao xuyến của chị mà cuộn sóng nhiều hơn, xoáy tròn một vòng rộng trước khi khuất dưới chân cầu. Một vài con thuyền nhỏ của người dân vạn chài lướt nhanh trên mặt sông, mải miết trở về cho kịp phiên chợ chiều sắp họp.
Cây cầu bắc qua dòng sông tựa mảnh trăng khuyết nối hai bờ thương nhớ. Trải qua thời gian, mọi thứ trước đây hầu như không còn nữa. Chỉ bãi bồi và cái bến có nhiều tre nứa còn in dấu của những ngày cũ. Gió vẫn lùa hoa ngô chạy dọc theo triền sông xanh mướt như một tấm thảm vàng nhạt khổng lồ. Những đám keo đang mùa trổ hoa làm vàng ruộm cả một vùng, kéo dài xuống sát mép nước. Khúc sông chạy qua vùng đất này uốn thành đường cong mềm nhẹ như nũng nịu với bờ cát, khi nước cạn, bãi bồi tách dòng chảy thành hai rồi hợp lưu ở gần chân cầu bởi một lời hẹn ước vô hình. Phía xa, những ngọn đồi nối tiếp nhau thành đường vành đai xanh thẫm bao bọc lấy vùng đất.
Từ thuở nhỏ, chị đã biết về dòng sông khi theo bố đi trực nước cho nhà máy vào ngày tết. Tuy nhiên, ký ức lúc đó không rõ ràng như sau này theo học trường huyện, ngày hai buổi đi về. Con đường năm ấy lá vẫn không ngừng rơi khi đông qua, xuân tới, hoa vàng rực cả khung trời xanh thắm. Dòng sông mê mải cùng sóng gió mênh mang xuôi về phía xa xăm. Ngày chị rời xa là ngày lặng gió giữa mùa bão giông, nước sông đỏ ngầu, mấp mé bờ đê. Đây đó trên ngọn nước phất phơ mấy chiếc hoa ngô chưa kịp tàn bông phấn, vài nhánh củi bập bềnh giữa dòng chảy. Chiếc cầu gỗ cũ kĩ chìm trong làn nước bạc mặc con đò chòng chành đưa khách qua sông.
Chắc giờ này gió vẫn còn vi vút trên con đường chạy dọc bờ sông? Mặc kệ mây xám đang ngẩn ngơ cuối bãi, mặc kệ ai đó tựa cửa ngóng trông. Gió mang theo cơn mưa rào cuối hạ, mang theo ký ức của những năm tháng học trò trở về cùng chị. Tâm trí như nhìn thấy cậu bạn cao ngạo đạp xe lướt qua mặt cầu mấp mé nước, thách đố mấy đứa con gái sợ sệt đang dừng lại ngó nghiêng. Đám học trò trở về nhà sau một tuần ở trọ vì nước ngập băng cả cây cầu, tràn lên đến tận con dốc quanh co nơi cây gạo thân trắng cô đơn. Lần đầu tiên chị biết đến mùa nước nổi, lần đầu tiên biết đến mọi hoạt động của người dân hai bên sông vào mùa này. Những con cá to hàng yến, bụng tròn căng, lấp lánh vây vi lật mình trên bờ cỏ ven đường. Người dân làng chài ven sông tranh thủ nước lên kiếm thêm thu nhập làm xôn xao cả một đoạn đường phố thị.
Nhà chị ở trọ cách cây cầu đang chìm trong làn nước một quãng ngắn. Buổi chiều học về, chị thường đứng ở ngõ nhìn về phía dòng sông, nhìn những bóng người đang lom khom vớt củi bên dòng nước đỏ lừ. Lúc ấy cũng không suy nghĩ nhiều và cũng không hề thấy nhớ nhà, chỉ thấy thú vị và tò mò như được đến một nơi nào đó xa ngái. Ký ức đưa chị về với bến sông xưa, với một cô bé buộc tóc hai bên tròn xoe mắt nhìn tất cả mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình.
Dòng sông vẫn theo quy luật riêng biệt của mình. Mùa hạn, nước xanh biếc, nhìn thấy được những hòn sỏi to bằng nắm tay phủ đầy rêu trơn tuột. Mùa lũ, dòng sông đỏ quạch, xoáy thành hình trôn ốc to nhỏ cuốn theo những gì nó bắt gặp trên đường đi của mình. Thỉnh thoảng, dềnh dàng trên làn nước một cánh bèo không biết từ đâu mà có, nghênh ngang theo những phiêu du của mình. Những lúc ấy, chị thấy lòng bỗng nhiên trống trải, bâng khuâng bởi nỗi nhớ mơ hồ. Bất chợt nhận ra mình trong buổi chiều cùng bạn hẹn hò bên ruộng dưa hấu sát bờ sông. Thỉnh thoảng tìm được một quả dưa chín, tất cả xúm vào, đập vỡ ra và chia nhau, tiếng cười trong vắt lan theo bãi cát lẫn theo tiếng gió vi vút ngân nga như giai điệu thanh xuân. Bất chợt nhớ lại một chiều trốn bố mẹ lội sông với đám bạn trong xóm, ướt hết cả áo quần mà chỉ mang về được một vài con hến. Và chiến công ấy được nhắc mãi trong những buổi học hay đi chơi sau này.
Một đôi lần, chị đã đi theo dòng sông ngược lên phía thượng nguồn. Hình như sông là thành quả hợp lưu, giao thoa của các dòng suối nhỏ. Trong hành trình mải miết về xuôi, sông mở lòng thu nhận văn hóa của cư dân hai bên bờ. Nhịp cồng chiêng chếnh choáng men rượu cần của đồng bào Thái, điệu dân ca Mường ngọt ngào trong đêm trăng hẹn bạn, những xóm làng của người dưới xuôi di dân mang theo nét riêng... Sự giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc đã tạo nên nét riêng cho con sông và địa phương nơi nó đi qua. Phải chăng vì thế mà dòng sông là nỗi nhớ da diết của những người con xa xứ khi nghĩ về quê hương của mình.
Đi ngược theo dòng sông, có đoạn giống như vùng đồng bằng, bờ sông nằm lẫn trong các thửa ruộng đang thì con gái thơm nồng, xanh mướt. Nhưng có đoạn thì cuộn mình theo eo núi, khẽ gầm gừ biến hóa dưới hai bờ vách cao sừng sững. Có đoạn nhô lên các doi cát nối tiếp nhau làm thành thung lũng nhỏ giữa gập ghềnh đèo dốc. Có đoạn lòng sông hẹp lại như một con suối với dòng chảy rất mạnh... Ở đó, chị thích thú nhìn những cái guồng nước đang quay tròn, quay tròn, thầm thán phục người sáng tạo. Cảm giác bình yên khi nghĩ rằng cứ đi xuôi dòng sông, nó sẽ đưa chị về nhà, đưa chị về với cái bến đầy tre nứa ấy. Mùi hoa rừng thoang thoảng lẫn mùi khói từ một cái lán canh nương gọi buổi hoàng hôn đến dần trong tiếng cọn nước chảy vào ao cá, trong tiếng cối giã gạo thập thình đầu ngõ, trong tiếng chim gọi bạn nơi dốc núi.