Những thất bại liên tiếp của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và sự rối ren trên chính trường miền Nam những năm 1963, 1964 đã buộc đế quốc Mỹ phải đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam bằng một chiến lược mới. Đồng thời, “leo thang” chiến tranh phá hoại miền Bắc - nơi chúng coi là “gốc rễ”, là hậu thuẫn của cách mạng miền Nam.
Tháng 2/1964, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã thông qua “Chương trình thử nghiệm 4 tháng”, gồm 3 nội dung chủ yếu: (1) “Kế hoạch hành quân 34A” do thám bằng máy bay chiến lược U2, bắt cóc công dân Bắc Việt Nam để khai thác tin tình báo, sử dụng các đội nhảy dù phá hoại và gây chiến tranh tâm lý, tiến hành các cuộc tập kích từ biển vào để phá đường xe lửa và cầu đường. (2) Mở các cuộc tiến công bằng không quân ở Lào, lan dần đến biên giới Bắc Việt Nam, coi đó là một sự “khởi xướng” cho cuộc chiến tranh không quân ào ạt chống lại Bắc Việt Nam. (3) “Kế hoạch Đề-sô-tô” tổ chức các cuộc tuần tra bằng tàu khu trục Mỹ ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, nhằm phô trương lực lượng, gây tác động tâm lý và thu thập tin tức tình báo về các trận địa ra đa cảnh giới, trận địa phòng thủ của Bắc Việt Nam.
Đến tháng 5/1964, kế hoạch xúc tiến chiến tranh phá hoại miền Bắc đã được đế quốc Mỹ hoàn tất. Hệ thống căn cứ không quân, hải quân bố trí gần miền Bắc nước ta đã bảo đảm sẵn sàng nhận lệnh (Hạm đội 7, căn cứ ở Đà Nẵng, sân bay Ubon ở Thái Lan, Guam ở Thái Bình Dương). Để thực hiện kế hoạch đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, với một “kịch bản” đã được chuẩn bị từ trước, đế quốc Mỹ xác định phải “có một chiến dịch khiêu khích Bắc Việt Nam” để tạo cớ.
Đêm 30/7/1964, chúng cho tàu biệt kích ngụy bắn pháo phá hoại đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An). Ngày 31/7, chúng huy động máy bay T28 bắn phá đồn biên phòng Nậm Cắn; sau đó bắn làng Noọng Dẻ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, tàu khu trục Ma-đốc tiến về phía Bắc, xâm phạm hải phận của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và gây ra một số vụ khiêu khích đối với thuyền đánh cá của ngư dân miền Bắc. Đặc biệt, đêm 31/7, rạng sáng 1/8/1964, tàu khu trục Ma-đốc đã tiến vào vùng biển Quảng Bình, để thu thập tin tức tình báo và khiêu khích lực lượng của ta, có lúc chúng chỉ cách phía Đông đèo Ngang khoảng 8 hải lý.
Ngày 2/8/1964, sau khi tàu Ma-đốc bị tàu phóng lôi của Hải quân ta tiến công đánh đuổi buộc chúng phải rút ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Ngay lập tức Mỹ lớn tiếng vu cáo “tàu phóng lôi của Việt Nam vô cớ công kích tàu Ma-đốc của Mỹ đang đi trên vùng biển quốc tế...”; “Bắc Việt Nam khiêu khích trắng trợn, Bắc Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế...”. Để những lời vu cáo đó có sức thuyết phục hơn đối với Nhân dân Mỹ và dư luận quốc tế, đêm 4/8/1964, Mỹ đã dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, cho tàu khu trục Ma-đốc và tàu Tooc-nơ-gioi ở vùng biển quốc tế phát tín hiệu bị tấn công. Ngay lập tức, nhà cầm quyền Mỹ ở Lầu Năm Góc đã lu loa rằng: “Một cuộc tiến công cố ý thứ hai trong đêm tối của các tàu tuần tra Bắc Việt đã đánh vào tàu Ma-đốc và Tooc-nơ-gioi, trong khi hai khu trục này đang thực hiện tuần tra thường lệ ở Vịnh Bắc Bộ trong hải phận quốc tế, cách khoảng 65 dặm (gần 105km) nơi gần bờ biển nhất”
Đến 23 giờ 30 phút đêm 4/8/1964 giờ Oa-sinh-tơn (tức 11 giờ 30 phút trưa 5/8 giờ Hà Nội), Giôn-xơn ra lệnh cho lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương cho máy bay cất cánh đánh “trả đũa” vào một số mục tiêu ở miền Bắc. Đến 23 giờ 36 phút đêm 4/8 (giờ Oa-sinh-tơn), Giôn-xơn tuyên bố trên đài truyền hình Mỹ về việc ra lệnh cho các lực lượng quân sự của Mỹ có “hành động trả lời” đối với Bắc Việt Nam: “Những hành động bạo lực liên tiếp chống các lực lượng vũ trang của Mỹ phải được đối phó không chỉ với sự phòng bị cảnh giác mà với sự trả lời tích cực. Sự trả lời đó đang được đưa ra khi tôi nói với đồng bào đêm nay. Hành động không quân đang được tiến hành chống các tàu chiến và một số phương tiện yểm trợ ở Bắc Việt Nam đã được sử dụng chống các hoạt động thù địch đó”.
Với lời tuyên bố ngạo mạn ấy và sau những hành động có tính toán từ trước nhằm khiêu khích đối phương, lừa dối Quốc hội và Nhân dân Mỹ, Giôn-xơn chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược bằng không quân và hải quân đối với một nước độc lập có chủ quyền. Đến 12 giờ 25 phút ngày 5/8/1964, chúng sử dụng 8 máy bay phản lực đánh vào khu vực Vinh - Bến Thủy. Cuộc tiến công quy mô lớn bằng không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam đã bắt đầu....
Trước âm mưu thâm độc của kẻ thù, ngày 27 và 28/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt. Hội nghị này được coi như “Hội nghị Diên Hồng” của dân tộc trong thời đại mới, với hơn 300 đại biểu đại diện cho đồng bào các dân tộc, tôn giáo trong cả nước tham dự. Tại hội nghị, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ âm mưu và hành động chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, khẳng định thất bại của cuộc “Chiến tranh đặc biệt” là không thể tránh khỏi. Đồng thời, Người tuyên bố: “Hiện nay, bọn hiếu chiến Mỹ và bè lũ tay sai mới của chúng lại ba hoa hô hào “Bắc tiến”! Nhưng chúng phải hiểu rằng: Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại. Vì nhân dân cả nước ta sẽ kiên quyết đánh lại chúng; vì các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ toàn thế giới sẽ hết sức ủng hộ ta; vì nhân dân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ sẽ phản đối chúng”. Từ đó, Người đã kêu gọi: “Mỗi người phải làm việc bằng hai để đền đáp lại đồng bào miền Nam ruột thịt”; đồng thời yêu cầu “Quân đội và các lực lượng vũ trang nhân dân phải luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự trị an, kiên quyết đập tan mọi hành động của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng”. Trên tinh thần đó, tất cả đại biểu tham dự “Hội nghị Diên Hồng” này đã biểu thị sự đoàn kết nhất trí xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tháng 6/1964, Bộ Chính trị ra chỉ thị về tăng cường sẵn sàng chiến đấu, đập tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ. Đồng thời nhận định rõ: “Do thất bại liên tiếp ở miền Nam và ở Lào, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đang lúng túng và nhất định chúng sẽ điên cuồng đối phó lại. Chúng đang chuẩn bị và trước sau sẽ tập kích bằng đường biển và đường không vào miền Bắc nước ta. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, kịp thời đập tan âm mưu của địch, giáng cho chúng những đòn thích đáng nếu chúng dám liều lĩnh khiêu khích và phá hoại miền Bắc”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, từ đầu tháng 7/1964, toàn Quân chủng Hải quân và Quân chủng Phòng không - Không quân chuyển sang trạng thái thời chiến. Trước những hành động khiêu khích phá hoại ngày càng tăng của Mỹ - Ngụy ở vùng biển Khu 4, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại căn cứ sông Gianh và hiệp đồng với các lực lượng của Quân khu 4 bảo vệ vùng biển phía Nam. Điều động một số tàu tuần tiễu của Khu tuần phòng 1 vào tăng cường hoạt động ở vùng biển Khu 4 và lệnh cho các phân đội tàu tuần tiễu của Khu tuần phòng 2 rời cảng sơ tán ra các khu neo, vừa tăng cường huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, vừa nâng cao cảnh giác, ngụy trang chu đáo đề phòng địch tập kích bằng đường không và biệt kích người nhái...
Đêm 31/7, rạng sáng ngày 1/8/1964, tàu khu trục Ma-đốc xâm phạm vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía Bắc nhằm điều tra các mạng lưới bố phòng của ta ở khu vực đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, Lạch Trường. Trước hành động của tàu địch, Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 135 khẩn trương làm công tác chuẩn bị, đảm bảo mọi mặt và tiến hành lắp ngư lôi cho Phân đội 3 để sẵn sàng chiến đấu. Đến 0 giờ 15 phút ngày 2/8, Phân đội 3, Tiểu đoàn 135 (gồm 3 tàu phóng lôi mang số hiệu 333, 336, 339) được lệnh rời cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh), bí mật hành quân vào Hòn Nẹ (Thanh Hóa) để phục kích đón đánh tàu khu trục của địch.
13 giờ 30 phút ngày 2/8, tàu khu trục Ma-đốc xâm phạm vào khu vực Hòn Mê - Lạch Trường, cách Hòn Mê 9 hải lý. Đồng thời, 4 máy bay địch lao đến tập kích các tàu của Hải quân Việt Nam. Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho biên đội tàu tuần tiễu xuất kích. Trước tinh thần chiến đấu quả cảm, ngoan cường của hải quân và quân dân ta, quân địch đã thảm bại (1 máy bay rơi ngay xuống biển, 1 chiếc bị thương và 2 chiếc phải rời khỏi khu vực chiến đấu; tàu Ma-đốc bị trúng đạn phải rút chạy khỏi lãnh hải Việt Nam). Trong trận chiến này, 2 tàu 336 và 339 của ta bị hư hỏng một số thiết bị trên boong và trong khoang; 4 đồng chí hy sinh và 6 đồng chí bị thương.
Ngay sau khi tàu Ma-đốc bị đánh đuổi khỏi vùng biển của ta (ngày 2/8/1964), đêm 4/8/1964, bọn đầu sỏ trong chính quyền Mỹ đã dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, lấy cớ để mở chiến dịch “trả đũa” mang tên “Mũi tên xuyên” (Operation Pierce Arrow). Ngày 5/8, chúng sử dụng tối đa lực lượng máy bay ở hai biên đội tàu sân bay Con-xten-lây-sơn và Ti-cơn-đê- rô-ga, gồm hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại. Chúng đã chia làm 3 đợt tấn công bất ngờ và gần như cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế và hầu hết các căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu của hải quân ta suốt dọc ven biển từ Cảng Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh), hòng tiêu diệt lực lượng hải quân của ta, mở đầu kế hoạch chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc nước ta đã được vạch sẵn.
Trước đòn tấn công của địch, các lực lượng phòng không ba thứ quân và Nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh và bộ đội Hải quân đã chiến đấu anh dũng, đánh bại cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” của không quân Mỹ. Qua đó, bắn rơi 8 máy bay phản lực hiện đại và bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt một giặc lái. Tổn thất này đã gây bất ngờ cho bọn đầu sỏ đế quốc Mỹ và ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng chiến tranh xâm lược của chúng. Song, những cái đầu bảo thủ này đã không rút được bài học nào, mà chúng vẫn âm mưu tiếp tục “trừng phạt” cả miền Bắc Việt Nam. Nhưng với chiến thắng lịch sử “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm của quân và dân ta (cuối tháng 12/1972), kết cục đế quốc Mỹ nhận được vẫn là tự chuốc lấy thất bại nhục nhã.
Chiến thắng trong 2 ngày 2 và 5/8/1964 đã trở thành một mốc son có ý nghĩa quan trọng và vô cùng tự hào của quân và dân miền Bắc, cũng như trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta. Đây là “Chiến thắng trận đầu” của Hải quân Nhân dân Việt Nam; đồng thời cũng là “Chiến thắng trận đầu” của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc Việt Nam XHCN. Đây là thắng lợi của sức mạnh và tinh thần chính nghĩa, của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam kiên cường bất khuất, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược; của lòng yêu nước và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây cũng là thắng lợi của đường lối chiến tranh Nhân dân toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. “Chiến thắng trận đầu” này đã tạo tiền đề thuận lợi, cổ vũ động viên khí thế tiến công của quân và dân ta quyết tâm đánh bại các bước “leo thang” chiến tranh của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, sát cánh cùng tiền tuyến lớn miền Nam tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng để đánh thắng Mỹ, Ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, tạo tiếng vang lớn trên thế giới về dân tộc Việt Nam nhỏ bé, nhưng đã hạ gục uy thế của “không lực Hoa Kỳ” ngay từ trận đầu chúng tiến hành mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam. Từ đó, mang lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng triệu người đang đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ trên thế giới.
“Chiến thắng trận đầu” ngày 2 và 5/8/1964 đã để lại cho thế hệ hôm nay nhiều bài học lịch sử vô giá. Để rồi phát huy tinh thần và ý nghĩa của “Chiến thắng trận đầu”, quân và dân ta luôn sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, để dựng xây và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.