Trên tuyến đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) dài 519 km, Thanh Hóa là địa phương có số lượng móng cột nhiều nhất (299/1.177); đồng thời cũng là 1 trong 2 tỉnh có quy mô đường dây dài nhất (131 km/519 km). Vinh dự đó, gắn liền với trách nhiệm lớn lao của địa phương khi có khối lượng công việc khổng lồ cần phải giải phóng mặt bằng (GPMB), đi qua 11 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Quyết liệt ngay từ những ngày đầu tiên “khởi động” dự án, với mục tiêu sớm có mặt bằng sạch bàn giao cho đơn vị thi công, “chiến dịch” GPMB đường dây 500 kV mạch 3 qua tỉnh Thanh Hóa đã huy động sự vào cuộc tổng lực của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể.
Có thể nói, chưa có một dự án nào, công tác giao ban, chỉ đạo về GPMB lại trở nên “nóng bỏng”, quyết liệt như Đường dây 500 kV mạch 3. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, các công việc cụ thể, với những mốc thời gian rất cụ thể trong kiểm kê, áp giá bồi thường, bàn giao kinh phí GPMB, di dời, hỗ trợ nhà ở... đều được lãnh đạo tỉnh “mệnh lệnh”, làm cơ sở cho kế hoạch sắp xếp, triển khai GPMB của các địa phương có dự án đi qua.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền để Nhân dân thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án đối với tỉnh, với đất nước, công tác GPMB đã được tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng, đủ cơ sở, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi và tạo sự đồng thuận của Nhân dân.
Ông Mai Văn Hào, xã Nga Giáp (Nga Sơn), chia sẻ: “Gia đình tôi có 4 sào đất lúa thuộc hành lang dự án. Nhận thấy tầm quan trọng của công trình này, tôi cũng như các hộ dân trong thôn, xã đã đồng thuận bàn giao mặt bằng trước, nhận tiền bồi thường sau để nhà thầu thi công dự án được kịp thời”.
Gian nan, thử thách là khó tránh khỏi, điển hình như công tác GPMB đối với Dự án thành phần Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa. Được phê duyệt chủ trương đầu tư sau, lại đi qua nhiều địa bàn có địa hình đồi núi cao; đặc biệt đi qua Khu Kinh tế Nghi Sơn chồng chéo nhiều quy hoạch, nhiều khu công nghiệp và các nhà máy đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có trách nhiệm trực tiếp cùng đơn vị tư vấn và chủ đầu tư rà soát, kịp thời hiệu chỉnh hướng tuyến phù hợp; đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn làm tốt công tác dân vận trong GPMB.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn Trịnh Tiến Dũng cho biết: "Chúng tôi xác định vận động, tuyên truyền để các hộ dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của dự án, tự nguyện bàn giao mặt bằng là mấu chốt của công tác GPMB. Ban Thường vụ Thị ủy đã thành lập Tổ tuyên truyền do đồng chí Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ thị xã làm tổ trưởng; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với hội đồng bồi thường, GPMB dự án, chính quyền cấp xã tích cực, kiên trì vận động thuyết phục Nhân dân".
Với quyết tâm cao độ, chỉ đạo quyết liệt và sự đồng lòng của toàn dân, đến ngày 29/5, Thanh Hóa đã hoàn thành toàn bộ công tác GPMB đường dây 500 kV mạch 3, bàn giao mặt bằng sạch 299 vị trí chân móng cột và 137 khoảng néo, sớm hơn so với thời hạn mà tỉnh đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ là ngày 30/5. Thanh Hóa cũng là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên toàn tuyến đường dây 500 kV mạch 3 hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này.
GPMB sớm, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thi công. Mặc dù khối lượng móng cột, khoảng néo nhiều hơn nhiều lần so với các địa phương trong tuyến, nhưng tỷ lệ hạng mục công việc thi công trên địa phận Thanh Hóa luôn được bảo đảm tiến độ. Điển hình như với cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa, trong số 3 tỉnh có đường dây đi qua, Thanh Hóa chiếm tới số lượng 133/180 vị trí móng cột, nhưng hiện đã cơ bản hoàn thành việc lắp dựng cột thép. Công tác kéo dây cũng đang được triển khai sớm hơn tuyến qua các tỉnh khác trong cùng cung đoạn.
Đặc biệt, ngày 8/6 vừa qua, gói thầu số 39 thuộc cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa đã hoàn thành dựng cột và kéo dây. Đây cũng là gói thầu đầu tiên trong số 93 gói thầu xây lắp toàn dự án về đích, sớm hơn 4 ngày so với hợp đồng xây lắp, tạo động lực, khí thế mạnh mẽ cho toàn công trường nỗ lực tăng tốc thi công để về đích.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia Lưu Việt Tiến: “Gói thầu số 39 về đích sớm, ngoài thuận lợi do hoàn thiện thủ tục pháp lý và khởi công trước thì còn có thêm 1 nguyên nhân quan trọng là nhận được sự ủng hộ tích cực của Nhân dân địa phương. Có thể nói, công tác GPMB qua địa bàn huyện Nga Sơn đã đạt được kết quả kỷ lục. Việc bàn giao mặt bằng các vị trí móng cột và khoảng néo được thực hiện rất kịp thời. Hiện với đoạn tuyến này, công tác dựng cột đã hoàn thành 96%, kéo dây hoàn thành 60%. Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản kỹ thuật vào 20/6 để dự án đủ điều kiện vận hành vào 30/6”.
Tại Thanh Hóa, trạm biến áp 500kV tại xã Thiệu Tiến, Thiệu Phúc (Thiệu Hóa) cũng là một thành phần của Đường dây 500kV mạch 3. Dự án này phải hoàn thành đưa vào vận hành đồng bộ trong tháng 6/2024. Trên công trường trạm “siêu cao áp” này, các nhà thầu đã thành công lắp đặt thiết bị bao gồm 6 máy biến áp 500 kV; 2 kháng bù ngang 500 kV; 2 bộ tụ bù dọc 500 kV và toàn bộ thiết bị 500 kV... Các đơn vị thi công cũng đang triển khai đồng bộ công tác lắp đặt thiết bị nhị thứ và thí nghiệm hiệu chỉnh đồng bộ, cuốn chiếu, mục tiêu đến ngày 20/6 sẽ hoàn thành toàn bộ giai đoạn 1 của dự án này.
Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Điện lực Licogi 16, chia sẻ: "Để đạt được tiến độ như hiện nay, chúng tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã bàn giao sớm mặt bằng. Trước khi tổ chức thi công, chúng tôi đã có toàn bộ mặt bằng của dự án. Về phía Điện lực Thiệu Hóa, chỉ trong 2 ngày đã lắp được điện phục vụ thi công, đồng thời di dời 1 đường dây nằm ở phía trong của trạm".
Chỉ còn chưa tới 20 ngày nữa, Dự án Đường dây 500kV mạch 3 cần phải hoàn thành. Trong giai đoạn nước rút này, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục đồng hành với vai trò là “hậu phương lớn” tiếp sức cho các nhà thầu, lực lượng xung kích trên công trường đẩy nhanh tiến độ thi công.
Từ những lãnh đạo có cương vị nhất tỉnh, đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, những món quà mang cả giá trị vật chất và tinh thần liên tục được trao đến tận tay người lao động trên công trường… Không chỉ góp phần chăm sóc, động viên lực lượng trực tiếp thi công, đây còn là những sự tri ân, khích lệ với những nỗ lực, hi sinh của lực lượng lao động trực tiếp đang đội nắng mưa trên công trường.
Anh Đinh Văn Thưng, quê tại thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, chia sẻ: “Tôi được điều động tham gia thi công dự án từ tháng 5. Ở Thanh Hóa thời tiết rất nắng nóng nên chúng tôi thường làm việc từ 5h30. Có hôm cả tổ đội đang kéo dây gấp thì trời lại mưa bất chợt. Tiến độ dự án rất gấp gáp, chúng tôi cũng được các đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên nên dù vất vả nhưng tự hứa sẽ luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.
Ngoài hỗ trợ về vật chất và tinh thần, các nhà thầu thi công dự án tại Thanh Hóa cũng đã nhận được sự bảo đảm về an ninh trật tự, hỗ trợ mượn đường thi công. Nhiều người dân cũng đã đồng tình thu hoạch hoa màu sớm để nhà thầu có đường vào thi công dựng cột, kéo dây các khoảng néo.
Ông Lê Thế Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Phương Hạnh, cho biết: “Chúng tôi đảm nhận 4 gói thầu, với 67 vị trí móng cột trên cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa. Các gói thầu đều được triển khai thuận lợi. Hiện nhà thầu đang huy động lực lượng khoảng 500 nhân công kỹ thuật tổ chức nhiều mũi thi công kéo dây trên toàn tuyến để hoàn thành toàn bộ khối lượng các gói thầu trước ngày 20/6”.
Cùng chung sức với ngành điện, tuổi trẻ Thanh Hóa cũng đang tích cực hưởng ứng chiến dịch “30 ngày đêm tình nguyện “vượt nắng, thắng mưa” tham gia hỗ trợ thực hiện công trình đường dây 500kV mạch 3. Tỉnh đoàn đã chỉ đạo thành lập 75 đội hình thanh niên tình nguyện, với hàng nghìn thanh niên tình nguyện hỗ trợ, tiếp sức thi công tại 86 điểm cột và tham gia phân luồng giao thông, giải phóng hành lang tuyến đường dây, phát quang, tháo dỡ, di dời nhà ở, chuồng trại...
Sau hơn 1 tuần triển khai thực hiện, với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, sẵn sàng hỗ trợ nhân lực, vật lực mọi lúc mọi nơi, lực lượng đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa đã tham gia tuyên truyền vận động, đồng thời hỗ trợ hộ dân tháo dỡ, di dời 25 ngôi nhà, 7 vật kiến trúc, chặt hơn 20.000 cây keo; hỗ trợ 5 tổ công nhân tháo dỡ, lắp đặt giàn giáo, phân luồng giao thông. Hàng chục đội thanh niên tình nguyện đã xung kích, đảm nhiệm hỗ trợ các phần việc vòng ngoài để các đơn vị thuận lợi thi công… Tất cả đã tạo ra một khí thế thi đua sôi nổi, phong trào hăng say lao động sản xuất, với mục tiêu sớm đưa công trình đường dây 500kV mạch 3 về đích.
Cùng chung trách nhiệm với công trình trọng điểm quốc gia, những ngày này, những “chiến binh áo cam” của Công ty Điện lực Thanh Hóa cũng đã có mặt khắp các địa điểm thi công. Công ty Điện lực Thanh Hóa đã thành lập Ban chỉ đạo, chủ động khảo sát, lập các phương án kỹ thuật di dời các tuyến đường dây trung, hạ thế phục vụ thi công đường dây 500kV mạch 3; đồng thời phối hợp với các chủ đầu tư và đơn vị thi công để thống nhất kế hoạch cắt điện các điểm giao chéo phục vụ công tác thi công.
Ngoài huy động nhân lực, vật lực xung kích tham gia hỗ trợ thi công dự án cũng như chuẩn bị dự phòng sẵn sàng phối hợp hỗ trợ khi có yêu cầu; Công ty Điện lực Thanh Hóa còn tổ chức phối hợp, hỗ trợ liên hệ, sắp xếp nơi tập kết ăn nghỉ, cũng như các vị trí thi công cho gần 300 cán bộ, công nhân viên lực lượng xung kích đến từ 13 Công ty trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung được tăng cường cho dự án 500kV mạch 3 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Anh Nguyễn Tấn Hùng, Tổ trưởng Tổ xung kích đến từ Công ty Điện lực Trà Vinh đang thực hiện công việc tại vị trí cột 191 thôn Thái Niên, thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa, chia sẻ: "Khi ra đây thì chúng tôi được chính quyền địa phương và điện lực nhiệt tình, hỗ trợ tìm chỗ ăn ở, tập kết vật tư. Với sự giúp đỡ của địa phương giúp anh em yên tâm trong công tác, cũng như đã tạo nên một sự khích lệ rất lớn để chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ".
30 năm trước, ngành điện Việt Nam đã lập kỷ lục không tưởng, đó là nghiên cứu, thiết kế và hoàn thành thi công, đưa vào vận hành đường dây 500 kV Bắc - Nam trong 2 năm (1992-1994). Trong điều kiện thủ tục đầu tư và GPMB khó khăn hơn gấp rất nhiều lần, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực hết mình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cùng với chính quyền các địa phương có đường dây đi qua, kỷ lục “không tưởng” lần thứ 2 sắp thành hiện thực, lập thêm một kỳ tích mới cho ngành xây dựng đường dây 500 kV của đất nước!