Vậy là sắp tết. Cuối tuần được nghỉ, tôi về qua nhà bà nội. Hỏi bà có sắm đào quất gì không? Bà bảo, nhà chật, kê vào đâu, với lại có cây mai từ năm ngoái rồi. Cây mai vàng điểm vài bông nở hé, còn lại chi chít nụ hứa hẹn sẽ là một chậu mai rực rỡ đón tết. Tôi bước lên nhà anh họ cạnh bên thì thấy một cây đào lớn, bông đã nở xoè rực hồng như vào ngày mùng của tết rồi.
Nhà anh họ năm nay gói giò bò. Món gia truyền của gia đình vậy là được tiếp nối. Dù không rõ vị có được như xưa không, nhưng ít ra đó là tín hiệu mừng. Chiếc giò bò như một món ăn kết nối từ đời này sang đời khác của gia đình tôi. Từ khi tôi được biết đến tết, thì đã thích mê mẩn món giò ông nội gói. Rồi kế tiếp là bác cả và bố tôi. Bác và bố đã về với ông bà tổ tiên nên năm nay tôi có chút băn khoăn liệu có ai kế tiếp. May sao chị dâu cả đảm đang lại kế nghiệp. Không biết chị đã có vỏ quýt ta rang giòn giã nhỏ chưa. Cái hồn của món đó là ở mùi hương vỏ quýt chị ạ.
Tôi nhớ khi trước, từ đầu tháng chạp ông nội đã bắt đầu phơi vỏ quýt để chuẩn bị cho việc gói giò. Gói giò thì cần nhiều loại gia vị để tạo mùi hương, nhưng đặc trưng nhất là hương thơm từ vỏ quýt khô rang cháy giòn giã nhỏ. Hương thơm này quện với miếng thịt bò nén chặt gói trong lá chuối, thêm vị cay nồng của tiêu bắc, thơm ngọt của thảo quả, và cả cảm giác giòn sần sật của nấm tai mèo, khi chấm vào bát nước mắm cốt vắt chút chanh, vài miếng ớt đỏ, ăn kèm theo dưa hành muối thì đúng là tết thật chứ còn gì nữa. Tết trong từng miếng ăn đặc trưng.
Dẫu biết thế hệ này rồi sẽ kế tiếp bởi thế hệ khác, nhưng bố rồi bác cả ra đi, nhà thấy vắng bóng người, thấy thiếu đi cây cao bóng cả cho con cháu nương tựa vào. Gia đình bây giờ khác xưa, chỉ có một hoặc hai con. Thế hệ ông bà đẻ nhiều con nên có khi phải lấy số đếm để đặt tên. Cảnh sum vầy đông đúc như thời ông bà bố mẹ không còn nữa. Con cái lớn lên rồi sẽ rời xa vòng tay bố mẹ. Lần lượt các cháu rồi sẽ xa nhà đi học, cũng như bố mẹ các cháu ngày xưa vậy. Nên nhà đã vắng nay còn vắng hơn. Có hôm bất chợt có việc tôi về giữa một buổi trưa, không còn gặp một ai trong nhà cả, thấy hụt hẫng bởi trong tâm trí tôi nhà luôn đông đúc nói cười.
Tuy vậy, cũng còn một điều may mắn, rằng những dịp giỗ chạp, anh chị nhà bác vẫn lo chu đáo. Dịp đó các bác, các chú, anh chị em trong nhà lại tụ họp về đông đủ cả. Chén rượu nâng lên thêm phần ấm áp, bởi dịp đoàn viên giờ đây không còn nhiều. Tôi vẫn nhớ lời o hồi ông nội mới mất. O buồn và thở dài bảo: Có lẽ giờ chả còn lý do gì mà về thăm nhà nữa. Hồi trước đó, cứ vài ba tuần là o lại về thăm ông. Đi chợ, rồi nấu những bữa cơm có dấm cá chua mà ông thích ăn. Nhưng càng lớn tuổi thì tôi thấy ai cũng hướng về quê hương nhiều hơn. Đó có lẽ là tâm tư chung rồi, lá rụng về cội. Ai còn đi xa, tết này, nếu có thể thì nên trở về nhà.
Những ngày cuối năm dòng người hối hả ngược xuôi về quê đón tết, tấp nập đi chợ sắm tết. Chiều ngớt mưa phùn, tôi bế con cùng hoà vào dòng người để cảm nhận cái hối hả của một mùa xuân đang về, dù lo toan bộn bề hiếm khi nào hết. Bạn tôi bảo, từ khi không còn ông bà, bố mẹ, thấy tết chả còn ý nghĩa gì cả. Tôi nghĩ, một phút yếu lòng bạn đã thành thật với bản thân. Nhưng mẹ cha nào sống đời với bạn. Chỉ có một điều rằng, thế hệ rồi sẽ nối tiếp thế hệ. Và mùa xuân này rồi sẽ nối tiếp những mùa xuân đã qua và chờ những mùa xuân khác đến. Cuộc vui có được là mấy chốc và cuộc đời có được là bao mùa xuân!