"Ngày mới lên đội tuyển quốc gia U21, chúng tôi đều hạnh phúc khi được góp sức. Tôi vẫn nhớ Lee khi đó là một người giàu cá tính. Dù anh ấy khá ít nói, nhưng có thể thấy anh ấy có khiếu hài hước và sự vui vẻ trong ánh mắt. Thật điên rồi khi nghĩ rằng trận đấu đầu tiên của anh ấy lại là trong màu áo ĐT Ai-len" - Shay Givens mở đầu cuộc trò chuyện với The Athletic.
Ở thời điểm Lee Carsley có màn ra mắt đội tuyển Ai-len trên đất Bồ Đào Nha ở kỳ Euro 2004, Shay Given đang là thủ môn của đội U21 Ai-len, vài năm sau đó, Shay Given trở thành người bắt chính trong khung gỗ Ai-len, nhờ đó mà anh được sát cánh cùng người đàn anh hơn mình tới 2 tuổi ở đội tuyển quốc gia.
Sự nghiệp thi đấu ở ĐTQG của Lee Carsley bắt đầu vào năm 1997, hai năm sau khi Jack Charlton, huyền thoại từng đưa ĐT Anh lên ngôi vô địch World Cup 1966, từ chức HLV đội tuyển Ai-len, chức vụ ông đảm nhiệm từ năm 1986. Có thể nói, đây là một trong những quyết định táo bạo nhất của những người làm bóng đá Ai-len, nhất là khi xét đến việc The Troubles (một chuỗi các sự kiện bạo lực diễn ra ở Bắc Ai-len giai đoạn từ thập niên 60 đến thập niên 80 của thế kỷ 20-ND) vẫn đang diễn ra hết sức ác liệt. Cũng chính vì vậy mà khi Bobby Charlton mới đảm nhiệm chức vụ mới, ông đã gặp phải rất nhiều sự phản đối tới từ NHM bóng đá Ai-len thời điểm đó.
Gặp phải rất nhiều nghi ngờ là vậy, nhưng chỉ sau một vài năm dẫn dắt Ai-len, Charlton đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn nhận của người Ai-len về những người làm bóng đá tới từ Anh Quốc, đất nước luôn được xem là "kẻ thù không đội trời chung" trong mắt họ.
Jack Charlton thời điểm đó có một chính sách tuyển quân khá thú vị, đó là thay vì sử dụng các cầu thủ nội địa có sẵn, hầu hết đang thi đấu ở giải VĐQG Ai-len, HLV người Anh sẽ sử dụng các cầu thủ có bố mẹ, ông bà là người Ai-len nhưng sinh ra ở các nền bóng đá phát triển hơn trong khối Liên hiệp Vương quốc Anh, một chính sách khi đó được biết đến dưới tên "chính sách Granny Rule", nhờ đó mà Lee Carsley, một cầu thủ sinh ra và lớn lên ở Birmingham nhưng có người bà sinh ra và lớn lên ở Ai-len, đã được khoác áo đội tuyển quốc gia Cộng hòa Ai-len. Tuy nhiên, cũng giống như những cầu thủ có cùng hoàn cảnh khác như John Aldridge, Ray Houghton, dù có ghi được bao nhiêu bàn, dù có thi đấu hay đến mức nào đi nữa, Lee Carsley vẫn không bao giờ được xem là người Ai-len trong mắt các CĐV đội nhà.
Một người khác cũng hiểu rõ "nỗi lòng" của Lee Carsley đó là Kevin Kilbane, cậu đàn em nhỏ hơn Lee Carsley 3 tuổi.
Cũng giống như Carsley, Killbane sinh ra và lớn lên ở Anh, và cũng giống như Carlsley, anh lên đội tuyển Ai-len vào năm 1997, thời điểm anh mới 20 tuổi. Một điều đặc biệt khác về cầu thủ này đó là anh từng sát cánh với Mikel Arteta khi cả hai khoác áo Everton.
Dù không còn trò chuyện nhiều với người đàn anh Lee Carsley kể từ anh cuyển đến Canada vài năm trước, nhưng Killbane vẫn có những lần trò chuyện thân tình với người đàn anh cũ. Khi đó, anh cùng với Carsley sẽ nói về những ngày xưa cũ, cùng với đó là việc cả hai đã phải "khổ sở" với "cuộc khủng hoảng danh tính" cùng gặp phải khi lên ĐT Ai-len như thế nào. Cụ thể, anh chia sẻ với The Athletic: "Mỗi lần như vậy, Lee lại nói chuyện với tôi về việc mấy tay cầu thủ sinh ra ở Anh hoặc nói chuyện bằng giọng Anh giống như tôi và anh ấy phải "chịu khổ" gấp đôi như thế nào để nhận được sự tôn trọng của CĐV Ai-len, hoặc ít ra là được họ công nhận là người Ai-len. Hồi đó là như vậy. Tôi không biết bây giờ sao rồi, chắc là vẫn còn, nhưng ít hơn".
Khi được gọi lên đội tuyển U21 Ai-len vào năm 1995, Lee Carsley từng chia sẻ rằng một trong số những lý do khiến anh chọn đội tuyển U21 Ai-len đó là do phải chờ quá lâu câu trả lời của ĐT U21 Anh. Cụ thể, anh chia sẻ: "Tôi không thể chờ đợi một lần gọi lên tuyển khác được". Cũng theo The Athletic, ở thời điểm đó, Lee Carsley cũng cho biết người ông gốc Ai-len của anh "rất tự hào và vui mừng" với quyết định lựa chọn ĐT Ai-len của anh.
Kể cả khi trở thành HLV tạm quyền của ĐT Anh, Lee Carsley vẫn không giấu được sự tự hào khi được khoác áo ĐT Ai-len. Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn với báo giới ở trung tâm huấn luyện St George's Park, vị HLV 51 tuổi chia sẻ: "40 trận cho ĐT Ai-len là một niềm tự hào với bản thân tôi. Tôi cũng rất tự hào khi được làm HLV tạm quyền của đội tuyển Anh, có thể nói, đây là một cột mốc đáng nhớ và là một vinh dự không từ ngữ nào có thể mô tả được. Nhưng tôi cũng cần phải nhấn mạnh rằng tôi rất tự hào với nguồn cội của mình, vì vậy, vài tháng trước, tôi có trở về quê nhà Cork để đoàn tụ với gia đình".
"Dòng máu Ai-len chảy trong con tim người Anh", đó là cụm từ mà người Anh dùng để nói về không chỉ ông thầy tạm quyền người Ai-len mà còn được dùng để nói về đội tuyển Anh do ông dẫn dắt thời điểm hiện tại. Bởi lẽ, trong đội hình của ĐT Anh hiện tại đang 4 cái tên có họ hàng, người thân, thậm chí từng khoác áo ĐT Ai-len trước khi chuyển sang chơi bóng cho ĐT Anh như trường hợp của Declan Rice và Jack Grealish, ngoài ra còn có thẻ kể đến Jude Bellingham và Harry Kane, hai cái tên khác cũng có nguồn gốc Ai-len trong huyết quản của mình.
Ngày Lee Carsley trở thành HLV tạm quyền để thay thế HLV Gareth Southgate, người rời nhiệm sở hồi tháng 7 năm nay sau khi không thể đưa ĐT Anh lên ngôi ở kỳ Euro 2024 diễn ra trên đất Tây Ban Nha, Lee Carsley đã vấp phải không ít sự nghi ngờ của giới truyền thông Anh, một phần vì kinh nghiệm dẫn dắt ít ỏi của ông, phần khác là vì nguồn gốc Ai-len của mình. Tuy nhiên, theo Niall Quinn, một người bạn thân và là cựu tuyển thủ Ai-len, Lee là một người rất được tôn trọng ở ĐT Anh, một phần vì khá nhiều học trò của ông đã và đang là "nòng cốt" ở ĐT Anh. Cụ thể, Quinn chia sẻ với The Athletic: "Ở đây, Lee rất được tôn trọng. Theo tôi, bóng đá là một môn chơi luôn phát triển theo từng thời đại, vì vậy, chẳng có gì khó hiểu khi Lee Carsley lại quyết định nhận nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển Anh, nơi cậu ấy đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc tái thiết, thay vì lựa chọn ĐT Ai-len, một đội bóng cho tới nay vẫn chưa cải thiện được gì nhiều."
Chung quan điểm với Niall Quinn là Kevin Kilbane, một người cũng từng có thời gian quan sát phong cách huấn luyện của Lee Carsley. Cụ thể, anh chia sẻ với The Athletic: "Trước đây, tôi từng làm việc với Lee khi anh dẫn dắt đội trẻ. Kể từ lúc đó, anh ấy đã nổi tiếng "mát tay" với mấy cầu thủ trẻ rồi. Có lẽ vì anh ấy là bạn thân nên tôi hơi thiên vị, nhưng bạn có thể thấy rõ anh ấy tốt thế nào qua cái cách lũ trẻ từ 16-19 tuổi giao tiếp với anh ấy. Thực sự, anh ấy là một huấn luyện viên hàng đầu. Không phải tự dưng mà người ta gọi anh ấy là ‘Mourinho’ đâu".
Với nhiều NHM bóng đá, đặc biệt là những người hâm mộ bóng đá Việt Nam không theo sát bóng đá Anh, Lee Carsley chỉ là một vị HLV ít tên tuổi với kinh nghiệm duy nhất cho tới thời điểm hiện tại là dẫn dắt ĐT U21 Anh. Tuy nhiên, bản CV "thực" của HLV này "dày" hơn rất nhiều. Cụ thể, theo người đàn em Kilbane của ông: "Lee từng có kinh nghiệm dẫn dắt Brentford, Birmingham, Coventry, thậm chí, anh ấy còn từng dẫn dắt các đội trẻ ở đẳng cấp Premier League như Manchester City. Thêm nữa, anh ấy là một trong những người giúp xây dựng nên EPPP (Giáo án phát triển phong độ cầu thủ chuyên nghiệp-ND). Thời điểm đề án này được đưa vào áp dụng, tôi đang làm HLV cho đội dự bị của Hull. Vì vậy, ở thời điểm đó, dự án này đặt ra rất nhiều câu hỏi cho Lee về việc áp dụng giáo án này sao cho đúng".
Trong số những đội bóng đã từng "qua tay" Lee Carsley, nổi bật nhất trong số đó là Manchester City, đội bóng đã được Lee Carsley đào tạo ra những cái tên trẻ xuất sắc như Phil Foden, Jadon Sancho, sau đó là Brahim Diaz, người hiện đang thi đấu cho Real Madrid và đội tuyển Morocco. Khi nhắc lại về quãng thời gian này của người đàn anh, Killbane không giấu nổi vẻ tự hào với trang The Athletic: "Ngày trước, tôi thường theo dõi đội trẻ Man City thi đấu, một phần vì hồi đó Lee sống ở nhà tôi trong quãng thời gian làm HLV đội trẻ Man City. Mỗi lần đến sân vào sáng ngày thứ 7, tôi lại thấy Foden, Sancho, Diaz cùng vài cậu khác đang chơi bóng. Ở thời điểm đó, họ là những ‘khám phá lớn’ của anh ấy".
Ở cuối buổi phỏng vấn với The Athletic, Kilbane đã chia sẻ một cách đầy tự hào về người đàn anh của mình: "Trong vòng hơn 15 năm qua, anh ấy đã từng làm việc với Premier League, làm việc với LĐBĐ Anh cùng các CLB. Sẽ là không sai khi nói rằng anh ấy chính là một phần quan trọng trong công cuộc thay đổi nền bóng đá Anh cũng như các huấn luyện viên ở đây. Trong trường hợp Lee được chính thức dẫn dắt ĐT Anh, điều chúng tôi đã từng nói đến trong mấy cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với nhau, FA có thể tin rằng họ đã tìm ra người thay thế hoàn hảo, một người hiểu rõ tiềm năng của đội hình hiện tại để giúp họ vận dụng tối đa tài năng của họ"…
Nội dung: KDNX
Ảnh: The Athletic, Manchester Evening News...
Đồ họa: Mai Huyền