Sau siêu bão trời mưa nắng đan xen. Tôi lại nhớ lời mẹ mỗi khi về thăm quê sau bão: “Mưa đền cây đấy con à”. Tôi cười, xòe bàn tay hứng giọt mưa rồi nhìn bâng quơ ra cuối mảnh vườn. Giàn leo đã sập, dây bầu dây bí nhòe nhoẹt nước. Đàn gà con run rẩy rúc vào bụng mẹ tin cậy. Gà mẹ thẫn thờ nhìn mưa, mắt ngác ngơ buồn.

Men theo lối cũ của cơn mưa, tôi gặp lại những mảnh nhỏ của đời mình. Chạnh lòng nhớ về những kí ức đã xa. Tháng năm vô tình, tóc xanh đã ngả. Vậy mà nhìn mưa đền cây tôi vẫn thấy mình trong đó. Tôi nhớ ngôi nhà nhỏ tường đất ngày xưa, nơi mẹ sinh tôi co ro mỗi trận bão về. Từ chiều, trời đã trở gió. Nghe loa đầu thôn thông báo tin bão. Đêm đến gió mỗi lúc một to, sau đó mưa xối xả. Gió hung hăng giật liên hồi, đến gần sáng, cột nhà vật vã kêu răng rắc. Gió bóc từng mảng rạ ném ra đường. Chị em tôi được mẹ cho vào ngồi hết trong gầm bàn rồi phủ ni lông lên trên sau khi đã buộc ghì bốn góc vào chân giường. Mẹ chạy ra sân phát bớt những cành tre sà xuống mái nhà. Ngày ấy bố trong quân ngũ nên mọi việc của đàn ông mẹ đều phải làm hết.

Sáng ra những con giun đất màu đen đỏ to bằng ngón tay út nổi lềnh bềnh trên sân, con nào sống thì bò lên gốc cây chưa ngập. Mặt ao phủ đầy lá. Cây ổi đào bão quật ngã nằm chắn ngang mặt ao gốc bật tung. Quả xanh quả chín nổi lềnh bềnh, mấy quả chín đỏ vỡ ra như máu ứa. Vườn chuối gãy gục, có cây bị chẻ ra làm đôi, lá tướp như xơ mướp. Cây bưởi góc vườn sai trĩu mà bây giờ chỉ còn vài quả, cành gẫy treo lơ lửng. Bụi tre hai đầu nhà rũ rượi kiệt sức. Cái chuồng lợn mới làm đầu năm giờ ụp xuống, nước ngập lưng nhà. Ngớt mưa, mọi người trong xóm đóng bè chuối chở ít đồ còn lại cùng lũ trẻ lên cái đống cao nhất đồng để tá túc. Lợn gà chó mèo đều được ở chung với người. Lũ trẻ con vô tư còn cảm thấy thích thú khi được ngồi bè chuối đi từ nhà này sang nhà khác.

Quê tôi là vùng chiêm trũng nên cứ mưa bão là nước lâu rút. Chúng tôi đi học, mẹ tôi đi dạy, đi chợ bằng bè chuối. Đứng trước nhà mắt mẹ ngân ngấn nước, thương cây cối, thương hạt lúa mới đỏ đuôi chưa kịp gặt về. Biết bao mồ hôi công sức cần mẫn tháng ngày, mấy hôm trước còn nguyên vẹn bây giờ đã trắng tay.

Sau mưa là nắng, lá cây trong vườn đóng một lớp bùn bắt đầu khô cứng chỉ sau một hai ngày. Mọi người tất bật dọn đẹp nhà cửa, nhặt nhạnh những gì còn sót lại. Không ai nhớ đến cây mít trong vườn úa rực từng mảng lá đang chuẩn bị trút xuống đầy vườn.

Mọi người trong xóm còn đang bận giúp nhau thay lại cột kèo, lợp lại mái nhà hay trát lại tường bằng rơm nhào bùn ngấu. Xong việc, mọi người cùng ngồi trên chõng tre chia nhau củ khoai luộc uống bát nước vối thơm và áng chừng xem cả làng có bao nhiêu thiệt hại.

Vài ngày sau khi bão tan là bắt đầu những trận mưa đền cây. Mưa xối xả ào xuống nhưng rất mau tạnh. Như có phép màu, chỉ sau một hai trận mưa như thế, bùn đất đọng trên lá trên cành theo nước mưa trút xuống. Cây rũ bùn đứng dậy, tươi tỉnh hồi sinh đón cái nắng hào phóng của trời đất. “Sau trận mưa đền cây/ trời xanh và mây trắng/ sông trước nhà sóng lặng/ nắng buông vàng triền đê”. Vạn vật dường như thay đổi hẳn, đường ngõ đã sạch sẽ quang đãng hơn. Di chứng của trận bão chỉ còn là những đống lá, đống củi xếp ở hồi nhà hay ở góc vườn.

Trẻ em lại tung tăng đến lớp, cả làng đi gặt nốt những thửa lúa còn sót lại. Mưa bão gây nhiều tai ương nghiệt ngã, cướp đi sinh mạng con người. Sau cơn bão là tấm lòng của bạn bè muôn phương hướng về những nơi có bão lũ đi qua. Qua khó khăn càng hiểu và trân trọng giá trị của bình an, sự hy sinh quên mình của các lực lượng chức năng cứu hộ người dân qua cơn nguy hiểm. Phải chăng đó cũng chính là những cơn mưa “thiện nguyện” từ lòng người, từ truyền thống muôn đời của cha ông ta?

Lần này về quê mẹ đã đi xa. Mưa lũ rút hết còn đọng lại lớp phù sa tăng thêm hương vị cho đất đai. Cây trái sẽ hồi sinh trở lại. Mưa đền cây như một sự chuộc lỗi của thiên nhiên. Nắng thu vàng như mật cất vào ngăn tủ thời gian những kỉ niệm buồn. Mưa đền cây và những tấm lòng thơm thảo đang chữa lành vết thương mà siêu bão gây ra.

Nội dung: Lê Phương Liên

Ảnh: tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền