Tháng cuối năm, trời trở lạnh. Phố thủng thẳng ướp vài vạt nắng hanh hao vắt ngang ô cửa. Những cái hít hà so vai thấm hàn cuống họng. Sương đọng nhòe mắt kính, ngưng ướt mấy dãy ghế đá công viên khi mặt trời ló dạng. Vài người tập thể dục buổi sáng khoác thêm áo ấm, quần tất, khăn choàng cổ... Khuôn mặt ai nấy ưng ửng đỏ, lấp ló trong cái mũ trùm đầu kín tai. Đông cứ thế về cùng gió lạnh đầu mùa.
Đông sang làm con người ta vô thức hướng về nguồn ấm. Những ly trà đá vỉa hè thay bằng chén trà nóng. Mấy hàng quán bún phở hay lẩu, cháo tấp nập người, xe. Tiếng rao “Ai xôi lạc, bánh khúc...” cũng hun nóng những con phố mờ sương. Những bếp lửa đêm của mấy gánh hàng rong lốm đốm than hồng, hừng hương ngọt bùi của khoai lang mật.
Mùa đông làm nhịp sống thành phố bớt chút ồn ào, nhiều phần tĩnh mặc. Những cơn gió rét thổi ngang thị thành, làm ai nấy chợt muốn dậy trễ vài giây, đi chậm vài phút, kì kèo chút ấm áp sót lại. Phố vì thế cũng bớt phần náo nhiệt. Cái man mác của tiết trời khiến người ta có khoảng lặng suy tư những điều trước nay chưa kịp chú ý. Bất giác, họ muốn sưởi ấm cho nhau. Những cái ôm chặt hơn. Những lời quan tâm chẳng còn ngần ngại. Vài ba câu xin lỗi từ những cái đầu không còn nóng sau cuộc tranh cãi cũng chẳng phải khó thốt ra. Dường như cái lạnh mùa đông khiến mọi người kiên nhẫn với nhau hơn.
Thời tiết cuối năm thỉnh thoảng hanh hao, thỉnh thoảng ấm ướt. Mới lãng đãng chút gió hong khô chiếc áo đẫm hơi sương, đã chợt vần vũ vài hạt mưa phùn đọng li ti trên cành lá. Mấy cô bác lớn tuổi luôn kín kẽ trong mấy cái áo ấm bằng len, đầu đội mũ len, chân đi tất len. Vài bạn trẻ hơn thì mặc áo khoác len họa tiết may ô phối với sơ mi, ríu rít xuống phố.
Ngày trước mấy bà, mấy mẹ thường tự tay đan những món đồ bằng len. Hồi tôi lên mười, mẹ cũng tự móc len may cho mấy chị em cái áo hay khăn choàng cổ. Ngày chị cả lên đại học, thương con gái lần đầu xa nhà, mẹ thức mấy đêm liền để đan vội cái áo len màu hồng, mới sáng hửng đã chạy ra bến xe gửi lên cho chị. Những thủ pháp đan chỉ ở dạng phổ thông, chằng cầu kì, cũng không phối màu phức tạp, nhưng mấy chị em vẫn giữ cẩn thận và mặc tới tận bây giờ. Chúng tôi không xem đó là sự lỗi thời, ngược lại là minh chứng cho tình thương được thời gian bồi đắp.
Chẳng ai quay ngược lại quá khứ, nhưng nhờ nó mà chúng tôi biết trân trọng hiện tại. Dẫu biết cuộc sống ngày một phát triển, mấy món đồ len may sẵn được bày bán nhiều, chẳng khó để mua, nhưng cứ đông về, khi mắt còn tỏ qua lớp kính lão, mẹ vẫn tự tay đan len cho chúng tôi như ngày thơ bé. Chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ về cô gà mái mơ ủ ấm đàn con nhỏ dưới đôi cánh dày. Có lẽ trong tiềm thức của mẹ luôn muốn đem đến cho chúng tôi thật nhiều hơi ấm. Mẹ gửi nguyện vọng ấy qua những sợi len, rồi đem chúng hóa thành thực thể. Cũng bởi vậy mà trong tâm thức, tôi hay gọi thời gian cuối năm chính là mùa đan len.
Từng vòng xoắn len cứ quấn vào nhau như thít chặt lại hơi ấm hiếm hoi giữa tiết trời phố thị những ngày cuối năm. Và dường như, cũng kéo gần lại những trái tim vô tình chạm nhau giữa lòng thị thành. Đó là những cái nắm tay thật chặt như sợ lạc mất của vài đôi tình nhân trẻ. Là những cái vỗ lưng nhịp nhàng của mấy cụ ông, cụ bà trong một bài tập thể dục buổi sáng. Là những cái đầu chúi lại gần nhau quanh bàn cờ tướng của mấy bác hưu trí. Hay là mấy bó cúc hoa mi san sát đặt sau xe của một cô bán hàng có nụ cười tỏa nắng.
Mùa đan len cứ thế, chợt ấm vô ngần trong ngày gió mùa đông bắc tràn về.