Cuối phố Quý Tân, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy những ngày vừa qua luôn ngập tràn tiếng cười nói, chúc mừng của bà con lối xóm đến chúc mừng cô gái “vàng” của thể thao Thanh Hóa về thăm nhà.
Trong ngôi nhà nhỏ nằm bên triền dốc, nội thất sơ sài càng làm nổi bật lên sáng của những tấm huy chương, giấy khen mà cô gái 22 tuổi đạt được trong những năm vừa qua. Nhìn nụ cười của Cao Thị Duyên cùng bố mẹ, hàng xóm, tôi lại nhớ đến những giọt nước mắt khi em tuột mất tấm HCV ở nội dung đầu tiên tham gia tại SEA Games 32 lần này - nội dung 100m vòi hơi chân vịt nữ.
Thổ lộ về giây phút “yếu lòng” đó, cô gái xứ Mường nói: “Khi đó em khóc vì nghe quốc ca Indonesia, em đã nghĩ rằng mình phải đổi quốc ca Indonesia thành quốc ca Việt Nam thôi! Và sau đó, em đã cùng đồng đội của mình làm được, khi giành HCV nội dung 4x200m vòi hơi chân vịt tiếp sức nữ”.
Nghị lực là yếu tố không thể thiếu trong thành công của mỗi con người. Với Cao Thị Duyên cũng vậy, cô gái quê Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá đã trải qua là không ít những lần vấp ngã thất bại, nhưng cũng từ đó mà bước qua khó khăn, vượt qua thử thách để đạt lấy vinh quang như hiện tại.
Từ bé, Cao Thị Duyên đã sớm thể hiện sở thích với nước khi thường ra hồ gần nhà tắm mát, rồi sau đó là thi bơi với bạn bè. Bước ngoặt đã đến với Cao Thị Duyên khi năm học lớp 4, cô gái bé nhỏ được tuyển chọn vào đội năng khiếu của bộ môn bơi thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Thanh Hoá.
Rời xa gia đình từ năm 10 tuổi, với hành trang duy nhất là “biết bơi và bơi giỏi”, Cao Thị Duyên khi đó có lẽ còn chưa biết những khó khăn, thử thách sẽ ra sao, chỉ biết rằng mình rồi sẽ được “bơi” thoả thích trong niềm đam mê.
Nghẹn ngào nhớ lại ngày con đi cùng các thầy xuống Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Thanh Hóa cách nhà gần 100km, mẹ Duyên kể rằng, khi đó không kìm được xúc động vì thương con. “Con khi đó mới học lớp 4, ngay cả việc giặt quần áo còn chưa biết nhưng vì sự yêu thích của con, nên gia đình chỉ biết động viên con cố gắng học tập, rèn luyện, mong cho con có cơ hội để đổi đời, chứ ở quê thì khổ lắm”, bà Cao Thị Quang (sinh năm 1980) chia sẻ.
Theo ông Kỷ - bố của Cao Thị Duyên, ngày con gái xa gia đình xuống thành phố tập luyện, vợ chồng ông rất lo lắng: “Con gái còn quá nhỏ, nhiều lần nhìn vợ khóc vì nhớ con, tôi cũng rưng rưng nước mắt. Nhưng vì nghĩ đó là cơ hội tốt cho con nên lại kìm lòng, khuyên vợ cố gắng động viên để con yên tâm tập luyện”, ông Kỷ nhớ lại.
Trực tiếp lên thăm nhà Cao Thị Duyên, nhìn vào bức tường xây thô bằng gạch, đá vụn nhưng treo đầy huy chương, giấy khen, thành tích của nữ VĐV sinh năm 2001, mới thấu được cô gái này đã phải nghị lực ra sao, cố gắng thế nào để tìm cho mình một “lối đi” đổi đời bằng cách chinh phục “đường đua xanh”.
Đến năm 14 tuổi, một biến cố đến với VĐV quê Cẩm Thuỷ khi em bị chẩn đoán mắc Viêm gan B, căn bệnh khiến Duyên không đảm bảo sức khoẻ để hoàn thành giáo án bộ môn Bơi mà mình đang theo đuổi.
Những tưởng căn bệnh đã khiến VĐV quê Cẩm Thuỷ buộc phải “khăn gói" về quê thì tình cờ cuộc gặp giữa HLV phụ trách môn Lặn của Thanh Hoá khi đó - HLV Phạm Tuấn Anh (nay là HLV trưởng ĐT Lặn Thanh Hoá) và Duyên đã tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ và tài năng của cô gái trẻ này.
“Khi đó, tôi đã nói Duyên đeo thử chân vịt của môn Lặn, bơi thử cho thầy xem. Nhìn Duyên bơi, tôi đã thấy Duyên phù hợp với môn Lặn, thậm chí có những đặc điểm nổi trội hơn những VĐV khác", ông Phạm Tuấn Anh nhớ lại.
Chỉ 2 tháng sau khi chuyển sang môn Lặn, Cao Thị Duyên đã ghi dấu ấn đầu tiên ở giải Vô địch các nhóm tuổi quốc gia 2015 với 2 HCV, 1 HCB giành được đồng thời phá 2 kỉ lục nhóm tuổi. Kể từ đó, Cao Thị Duyên dần khẳng định được vai trò “đầu tàu" của mình ở các giải đấu trong và ngoài nước.
SEA Games 32 vừa rồi, Cao Thị Duyên mang về 3 HCV ở các nội dung đồng đội cùng với 2 HCB ở các nội dung cá nhân. Dù đánh giá đây là thành tích tốt, đạt chỉ tiêu đề ra, HLV Phạm Tuấn Anh chia sẻ vẫn có chút tiếc nuối khi Duyên tuột mất cơ hội giành HCV ở 2 nội dung cá nhân: “Nếu thi đấu đúng với thực lực của mình hơn nữa, Duyên có thể đã giành thêm HCV, đặc biệt ở nội dung đầu tiên - 100m vòi hơi chân vịt nữ”.
Trở về nhà với 5 tấm huy chương trên tay, Cao Thị Duyên hạnh phúc ôm chầm lấy từng người trong gia đình, tặng cho mỗi người một tấm huy chương.
“Em sẽ dùng tiền thưởng của mình trong kỳ SEA Games 32 vừa qua và sẽ tiếp tục cố gắng ở những giải đấu sắp tới để dành dụm tiền thưởng gửi về cho bố mẹ xây nhà mới” – Cô gái trẻ nở nụ cười quyết tâm, chia sẻ ước mơ đời thường với tôi.
Tranh thủ thời gian con gái về thăm nhà, người bố Cao Văn Kỷ cùng con gái thăm lại hồ nước (tại thôn Én) nơi đã nuôi dưỡng đam mê bơi lội thuở bé của Cao Thị Duyên. Lúc này, người đàn ông da đã sạm đen đi vì làm nghề “phu đá" không giấu được vẻ quyến luyến khi con gái vừa về được ít giờ đã phải chuẩn bị lên đường ra Thủ đô để tham dự buổi gặp mặt của Chủ tịch nước với Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32.
Như hiểu thấu tâm trạng của bố, Cao Thị Duyên quả quyết: “Cả nhà yên tâm, sau đợt này con sẽ về, ở nhà chơi cả tuần!”.
Với thành tích ấn tượng 3 HCV và 2 HCB giành được, trong đó có hai thành tích xuất sắc phá kỷ lục SEA Games, Cao Thị Duyên đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng Ba. Đây được xem là sự ghi nhận thành tích, sự đóng góp của 2 VĐV này đối với thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 vừa qua.
Sau kỳ Đại hội này, Duyên sẽ tiếp tục có những màn tranh tài quan trọng ở giải Vô địch Châu Á diễn ra tại Thái Lan. Chắc chắn, quãng nghỉ ngắn ngủi với đầy đủ tình yêu thương từ gia đình trong căn nhà nhỏ đơn sơ tại xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thuỷ sẽ nạp lại đầy đủ năng lượng cho cô gái đầy nghị lực tiếp tục chinh phục những thành tích cho thể thao Việt Nam.
Nội dung và ảnh: Hoàng Sơn
Đồ họa: Mai Huyền