Năm Nhâm Dần 2022 đầy biến động và không ít khó khăn, thách thức sắp đi qua trong niềm phấn khởi, tự hào về những nỗ lực và những thành tích, kết quả rất đáng trân trọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc, các lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà. Tiếp nối mạch nguồn thắng lợi trong hoàn cảnh hết sức khó khăn của nhiều năm trước, năm qua, chúng ta đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tiếp tục giữ vững những thành quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Kinh tế tăng trưởng cao; là địa phương có quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước, chúng ta vẫn giữ được đà tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 12,51%, vượt kế hoạch (11,5% trở lên) và đứng trong nhóm 7 tỉnh dẫn đầu cả nước. Các lĩnh vực kinh tế đều khởi sắc, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã xác lập những con số “ấn tượng”; trong đó, thu ngân sách Nhà nước đạt 50.099 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, vượt 69% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Trong năm, đã khởi công, khánh thành một số dự án công nghiệp quy mô lớn, như: Dự án Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy Sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Adiana Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, một số dự án giao thông lớn như: Đường Vạn Thiện - Bến En, đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45... góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và tăng năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh. Công tác quy hoạch được đặc biệt quan tâm; tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch, trọng tâm là hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết,... trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên bức tranh tăng trưởng kinh tế; năm 2022 đi qua với đầy ắp các sự kiện nổi bật về chính trị, văn hóa có sức lan tỏa mạnh, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, để lại dư âm tốt đẹp về đất và người xứ Thanh trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng, ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh, đó là: Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-2-1947 - 20-2-2022); các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022); 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc; Tuần lễ văn hóa Thanh Hóa – Hủa Phăn (Việt Nam - Lào); kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu; các lễ hội Lam Kinh, du lịch biển Sầm Sơn, biển Hải Hòa, biển Hải Tiến,... Giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao tiếp tục ghi dấu với nhiều thành tích nổi bật, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với đồng bào sinh sống trên sông, đồng bào sinh sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, các gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn... được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên, GRDP bình quân đầu người đạt 2.924 USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,99% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025).
Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành bạn được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và đạt kết quả tích cực; nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết; nhiều khuyết điểm, vi phạm trên các lĩnh vực được chấn chỉnh, xử lý. Đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân được củng cố. Niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, vào MTTQ, các đoàn thể tiếp tục được nâng lên. Những kết quả đó, tiếp tục nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, năm có tính bản lề, quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) đã đề ra. Theo dự báo, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về kinh tế, chính trị và an ninh. Cùng với việc triển khai các công việc thường xuyên, khắc phục các vụ việc tồn đọng, sẽ còn có những vấn đề mới phát sinh, tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh. Có thể nhận định khó khăn, thách thức của năm 2023 sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn năm 2022.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu to lớn ấy, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các ngành, đoàn thể trong tỉnh phải tổ chức thực hiện thật tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 7-12-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 327/NQ-HĐND, ngày 11-12-2022 của HĐND tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 đã đề ra; trọng tâm là các nhiệm vụ sau:
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành, để nhanh chóng phát huy hiệu quả; đồng thời, rà soát, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách mới, đột phá, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ động đấu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, trọng tâm là chính sách ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh từ tăng thu hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, nhằm bổ sung nguồn lực cho phát triển.
Khẩn trương hoàn chỉnh Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 theo phương án phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong Khu Kinh tế Nghi Sơn. Tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung triển khai thực hiện Đề án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn; xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt kế hoạch giải phóng mặt bằng năm 2023...
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Trước mắt, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các dự án phát triển du lịch, các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối liên vùng đang triển khai; nghiên cứu để sớm triển khai đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối các nút giao cao tốc với các đô thị, các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển...
Tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, nhất là ở các đô thị. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ngay từ đầu năm; thực hiện nghiêm quy định về nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn; tăng cường quản lý, giám sát nâng cao hiệu quả đầu tư, kiên quyết điều chỉnh vốn các dự án chậm tiến độ, giải ngân thấp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2023; quản lý và sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả để tập trung nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển và các nhiệm vụ cấp bách. Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và cải thiện thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa- xã hội; thực hiện tốt việc tuyển chọn, luyện tập để duy trì thể thao thành tích cao trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, duy trì chất lượng giáo dục mũi nhọn trong nhóm dẫn đầu cả nước và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, thu hẹp chênh lệch chất lượng giáo dục giữa miền núi và miền xuôi. Tăng cường quản lý dược phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và công tác khám, chữa bệnh; có phương án chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, kiên quyết không để “dịch chồng dịch”. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; bảo đảm việc làm cho công nhân, người lao động. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021-2025; khẩn trương hoàn thành việc hỗ trợ đất ở, kinh phí xây dựng nhà ở đối với các hộ dân đang sinh sống trên sông theo đúng tiến độ.
Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên. Triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững đất đai; bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho đất xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, đất xây dựng các thiết chế văn hóa - xã hội, đất công nghiệp, đất du lịch; kiểm soát chặt chẽ việc xác định giá đất, đấu giá đất, đấu thầu dự án, chuyển mục đích sử dụng đất... Tập trung xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chủ động xây dựng và thực hiện các phương án phòng, chống thiên tai, lũ lụt, nhất là các khu vực có nguy cơ cao; kịp thời khắc phục và giảm nhẹ hậu quả thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Xây dựng tiềm lực về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa-xã hội, khoa học và công nghệ, quân sự, an ninh đối ngoại; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thị xã, thành phố. Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh. Tăng cường công tác thanh tra, tư pháp; thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ...
Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, của tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020–2025, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6 (khóa XIII), gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 934-KL/TU ngày 5-9-2022 của Tỉnh ủy “Về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Triển khai thực hiện các bước trình tự, thủ tục để sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa theo đúng kế hoạch.
Xuân Quý Mão 2023 căng tràn sức sống đã về trên khắp mọi nẻo đường của quê hương, đất nước, mang theo biết bao tin yêu, ước vọng về một năm mới hạnh phúc, an lành, với nhiều thành tựu mới. Trong không gian ngập tràn sức xuân, lồng lộng sắc cờ đỏ vinh quang trên hành trình 93 năm Đảng ta đồng hành cùng dân tộc, gắn bó máu thịt với Nhân dân, “vượt bão tố cuồng phong xây sự nghiệp lớn”, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Nhân dịp năm mới 2023 và đón Tết cổ truyền dân tộc - Tết Quý Mão, xin gửi tới đồng chí, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trong tỉnh; đồng bào Thanh Hóa đang sinh sống, lao động, học tập, công tác xa quê hương; người tỉnh ngoài, nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Thanh Hoá lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.
Năm mới giành nhiều thắng lợi mới!
Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa.
Đồ họa: MH