Cánh đồng sau mùa gặt, từ sắc vàng chanh mênh mang của lúa chín chuyển thành màu xám nhạt của đồng đất, rạ rơm, hòa với nền trời bàng bạc đầu đông, gợi lên trong tôi nỗi man mác nhớ quê khi chạy xe qua cánh đồng heo may man mác gió. Vài đám đốt đồng khói trắng toả ra, vấn vít bay lên như dải lụa mềm màu trắng đục, quẩn quyện mãi bờ ruộng như có gì luyến tiếc rồi mới chịu theo gió bay đi, như nỗi nhớ tuổi thơ cứ cuộn xoáy trong tôi.

Thời gian đi qua thật nhanh, ba mươi năm xa quê thoảng trôi như màn khói mỏng mảnh kia. Bao năm vật đổi sao dời, chỉ còn màu khói kia là vẫn vẹn nguyên nét cũ như sự vẹn nguyên ơn nghĩa đất quê hương nuôi tôi khôn lớn. Đồng đất, cây lúa nơi quê tôi lớn lên có mặn chát mồ hôi người trồng lúa thấm luống cày, hòa với vị ngọt phù sa sông mẹ; có niềm vui mùa gặt đi cùng những xót xa của năm mất mùa do bão lũ, sâu rầy, chuột bọ phá hoại.

Bất chợt lòng phất phơ theo đám lau đang lơ thơ bông trắng lắt lay ven đê chiều đầu đông. Từ đâu có tiếng sáo diều du dương như vọng lại những câu thơ của nhà thơ Đồng Đức Bốn: “Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/ Mải mê theo một cánh diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”.

Lại thấy mình may mắn khi có một tuổi thơ trong trẻo yên bình, vô tư nơi quê nghèo mà giàu có chứa chan tình cảm. Nhớ chiều chạy trên đê, dẫm lên cỏ, mặc cho cỏ may như trẻ quấn mẹ, vương khắp áo quần.

Cánh đồng sau vụ gặt, thời điểm này chỉ có duy nhất một chủ nhân là bọn trẻ. Chúng có thể thả sức tung tăng chạy nhảy, nô đùa, quên đi gió lạnh. Ngày xưa rơm còn quý lắm, phải gom về làm đồ đun nấu hay cho trâu ăn, phần rạ cũng được mang về lợp mái nhà. Chỉ còn lại phần vương vãi người lớn gom đốt, đợi phù sa theo con nước về hòa cùng thành mỡ màu đợi vụ lúa mùa sau.

Bọn trẻ quê mót lại rơm rạ, cỏ khô rồi gom lại, nhóm thành đống lửa, thả lên trời vấn vương làn khói trắng xám đục nhờ, lững lờ bay lên... cùng cả bờ dài lơ thơ lau trắng, phất phơ trước gió đông, sát mép sông là hoa cải vàng tươi, tạo nên một khung cảnh thật yên bình. Mùi khói đốt đồng lạ lắm, khét khét, ngai ngái, và có cả mùi thơm thảo mộc. Chỉ thế thôi mà sao làm người ta nhớ cái mùi bình dị ấy thật lâu, giống như hồn đất tình quê, mộc mạc mà chân thành, đơn sơ thấm vào tâm trí. Để chiều này, nhìn khói bay rồi lại nhớ chiều nào từng chạy chơi thoả thích giữa đồng chiều.

Gió heo may trên đồng chiều se lạnh "bế mặt trời đi ngủ sớm" và đưa chiều nhanh sà xuống với màn sương giăng bảng lảng, làm những đôi chân thấm mỏi. Cái bụng sôi réo lên thì con cá vừa câu, con tôm vừa mò, bắp ngô, củ khoai vừa chín tới trên đống lửa rạ rơm, vừa thổi vừa ăn, quả là món ngon hơn cả cao lương mỹ vị trên đời. Sự thú vị của lũ trẻ quê trên cánh đồng là thứ mà trẻ thành phố chẳng bao giờ có được. Đó là khi vừa xuýt xoa vừa thổi phù phù củ khoai lang nướng bóc ra còn bốc khói thơm ngọt, khéo lựa cắn từng miếng, mà mép vẫn dính dấu tro đen nhẻm. Còn cả cái ga lăng của cậu trai quê khi lót áo rồi bẻ đôi bắp ngô nếp dẻo thơm vừa chín tới, hào phóng đưa cho bạn gái nửa bắp phía gần thân vừa mập vừa to, nhận về mình phần đầu hạt lép. 

Bạn bè xưa giờ phiêu bạt khắp nơi, liệu có ai còn nhìn khói đốt đồng mà nhớ về ngày tháng cũ, nhớ cảnh dắt trâu về dưới bóng hoàng hôn qua cây cầu trời in ngấn nước. 

Mùa heo may là mùa phù sa lắng xuống, nước trong kênh mương cứ trong veo nhìn rõ cả rong rêu. Chiều muộn bên giếng làng tíu tít tiếng người đi gánh nước, trò chuyện hỏi thăm nhau. Tình quê cứ thế thản nhiên hồn hậu như ngọn heo may, thảo thơm như nắm xôi gạo mới chị em chia cho nhau lúc đi lấy nước. Câu chuyện về ruộng đồng, vật nuôi, về sức khỏe gia đình, cả chuyện người đi xa lâu chưa về cứ trong trẻo mãi trong bao chiều như thế.

Nội dung: Phạm Minh Tuấn

Ảnh: Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền