Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng đã buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ và vĩ tuyến 17 trên dòng Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời chia cắt hai bờ Tổ quốc. Những tưởng sự chia cắt ấy chỉ là tạm thời. Nhưng không, đất nước nhỏ bé này chưa bao giờ thoát khỏi dã tâm của những kẻ xâm lược. Để rồi, đúng như Đảng ta và Bác Hồ tiên liệu, đế quốc Mỹ đã lợi dụng sự suy yếu của Pháp để hất cẳng tên thực dân cáo già này và độc chiếm miền Nam Việt Nam, áp đặt ách nô dịch thực dân kiểu mới hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Tình thế ấy đã buộc dân tộc ta một lần nữa đứng lên tranh đấu. Cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của quân và dân ta còn phải tiếp tục thêm 21 năm trời ròng rã.

Để thống nhất được đất nước, dân tộc ta đã đánh thắng 4 chiến lược chiến tranh, từ chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ đến Việt Nam hóa chiến tranh; cũng như qua 6 đời Tổng thống Mỹ: H.Truman, D.Eisenhower, J.Kennedy, L.Johnson, R.Nixon và G.Ford. Đặc biệt, từ Cao trào Đồng khởi năm 1960, đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đã buộc đế quốc Mỹ phải nhìn nhận lại cuộc chiến và khả năng thắng lợi của đội quân xâm lược. Đến cuộc tiến công chiến lược trên khắp miền Nam năm 1972, đặc biệt là thắng lợi của quân và dân ta chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng, đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân chiến đấu về nước.

Khi Mỹ đã cút thì phải đánh cho Ngụy nhào. Từ những đòn đánh quyết định vào Buôn Ma Thuột, đến giải phóng Huế - Đà Nẵng và đập nát “cánh cửa thép” Xuân Lộc, thì Sài Gòn đã nằm gọn trong tầm ngắm của pháo binh và xe tăng quân giải phóng. Để rồi, với sức mạnh như vũ bão, từ ngày 26/4/1975, năm cánh quân giải phóng như đồng loạt chỉa mũi nhọn vào nội đô và cùng hội tụ ở điểm hẹn Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết thúc bằng thắng lợi vẻ vang.

Cuộc chiến tranh trường kỳ, vô vàn gian khổ, khốc liệt và nhiều mất mát, hy sinh, song vô cùng hào hùng. Một cuộc chiến đấu kéo dài ngót 21 năm, mà thành quả mang lại không chỉ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối; mà còn góp phần “viết lại lịch sử” nhân loại, với sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới trên phạm vi thế giới. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".

Khi bàn về những bài học lịch sử vô giá đã được rút ra từ cuộc kháng chiến vĩ đại này, nhiều ý kiến đã nhấn mạnh rằng, đó là cuộc kháng chiến toàn dân đánh giặc bằng cả quân sự và chính trị, có lực lượng vũ trang Nhân dân gồm ba thứ quân làm nòng cốt, lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu chống mạnh về vật chất - kỹ thuật, trang bị, đánh thắng chiến tranh xâm lược. Cuộc chiến tranh cách mạng kỳ diệu này không chỉ đánh thắng giặc ngoại xâm lớn mạnh mà còn rèn đúc nên một nước Việt Nam mới, xây dựng nên một chế độ xã hội mới, chế độ dân chủ Nhân dân và bước khởi đầu của chế độ XHCN. Đồng thời, giúp tôi luyện nên những con người Việt Nam mới, phát huy cao độ khí phách anh hùng, tài năng sáng tạo và bản lĩnh tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam.

Có nhiều nghiên cứu đã đưa ra những luận giải cho câu hỏi, rằng vì sao một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam phải cầm súng suốt hàng thập kỷ, để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù hùng mạnh bậc nhất? Trong đó, không ít chính khách và các học giả phương Tây khi phân tích cuộc chiến, đã đổ lỗi cho những cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ; hay đổ lỗi cho những quyết định sai lầm nhất thời của các chính trị gia và các nhà cầm quân. Song, họ đã cố tình quên đi những điều cơ bản nhất, rằng họ không đối đầu với một đội quân mà chiến đấu với cả một dân tộc. Đó là dân tộc Việt Nam “có một lòng nồng nàn yêu nước”, có truyền thống lịch sử đấu tranh chống ngoại bang vô cùng hào hùng và truyền thống văn hiến ngàn năm tốt đẹp. Đó là rất kiên cường và bất khuất, luôn khát vọng hòa bình nhưng phải là hòa bình trong độc lập, tự do. Dân tộc ấy “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Và cuối cùng, dân tộc ấy được dẫn dắt bởi sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Nhân tố quyết định đến thắng lợi của các bên tham chiến thường dựa vào sức mạnh hay cái “lực” - tiềm lực kinh tế, quân sự. Song, nhiều ý kiến cho rằng, cái “lực” muốn phát huy còn tùy thuộc vào thời cuộc, hay cái “thế”. Bởi, “lực” mạnh nếu lại được kết hợp chặt chẽ với “thế” có lợi, thì sức mạnh sẽ được tăng lên gấp bội, và ngược lại. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ví: "Quả cân chỉ một kilôgam, ở vào thế lợi, thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm kilôgam. Đó là thế thắng lực. Ta đánh Mỹ, lấy ít thắng nhiều được là nhờ cái thế của ta rất lợi. Thế ta thắng đã rõ ràng. Thế địch thua đã rõ ràng". Vào những năm 60 của thế kỷ XX, khi xâm lược Việt Nam, Mỹ đã đi ngược lại xu thế phát triển khách quan của thời đại - thời đại hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH gắn bó chặt chẽ với nhau và đang ở cái thế không ngừng tấn công vào các thế lực phản động đế quốc. Do đó, sức mạnh khổng lồ của kẻ xâm lược sẽ bị chia năm sẻ bảy để cuối cùng chuốc lấy thất bại. Có lẽ, bấy nhiêu đã đủ để lý giải vì sao Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé lại có thể “gánh trên vai hành trang nặng nề của thế kỷ”, với cuộc chiến đấu và chiến thắng tưởng chừng như không tưởng với những kẻ thù sừng sỏ nhất.

Thu giang sơn gấm vóc về một mối, mang lại hòa bình, độc lập đích thực cho Tổ quốc và no ấm, hạnh phúc cho Nhân dân. Đó là nguyện vọng thiêng liêng, cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam, mà “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn” thì cũng quyết tâm giành cho bằng được. Để cái tên Việt Nam ngày nay “Nằm trong lòng thế giới/ Nằm trong tim nhân loại/ Nằm trên con đường dẫn ra tới giá trị Con Người” (thơ Nguyễn Khoa Điềm). Để mỗi người con của dân tộc này càng thêm thấm thía di huấn của cha ông và nhận thức sâu sắc sứ mệnh mà lịch sử đang giao phó: “Thái bình nên gắng sức/ Non nước vững ngàn thu”!