Phóng viên (PV): Xin chào Nhà văn – Dịch giả Vũ Danh Tuấn! Vậy là con sóc nhỏ ôm hạt dẻ lí lắc ra mắt làng sách được 10 năm. Là một đồng sáng lập KHD, anh sẽ “flex” gì về đứa con 10 tuổi càng lớn càng kháu khỉnh, lém lỉnh của mình?

Nhà văn - Dịch giả Vũ Danh Tuấn: Tôi không muốn KHD “lớn” lên theo tuổi tác hay vật lí, thậm chí cả quy mô. Thoạt nghe, ta có thể thấy hơi kì cục nhưng đó là sự thật. Tôi xin dông dài một chút. Thực ra, ngay từ đợt ra sách đầu tiên, cụ thể là cuốn “Lad-Câu chuyện về phẩm giá của một con chó” và cuốn “Vua gấu xám”, chúng tôi đã được đón nhận nồng nhiệt đến mức đủ điều kiện để phát triển nóng. Tôi nói thế là có cơ sở, bởi lẽ, chúng tôi đã có những đơn đặt hàng toàn bộ các lô sách tiếp theo ngay khi chưa ra sách. Điều đó có nghĩa là chúng tôi chỉ việc ănra sách, còn các việc khác đã có “vũ trụ” lo

Nhưng KHD vẫn kiên định với việc phát hành trực tiếp, không qua kênh phân phối ngoài. Làm được điều này, đồng nghĩa với việc chúng tôi có nhiều cơ hội chăm chút thật kĩ những đầu sách của mình mà không bị bất cứ áp lực nào từ thị trường và nhà phân phối. Nhưng trên hết, chúng tôi có được nhiều cơ hội lắng nghe phản hồi của độc giả. Cố nhiên, có lắng nghe sẽ có sẻ chia và đồng cảm. Và có đồng cảm, nghĩa là chúng tôi có trong tay tiêu chuẩn quan trọng nhất để trở thành một người bạn cùng trang lứa với các em.

Trong thực tế cuộc sống, bạn vong niên với trẻ cũng không hiếm, nhưng tôi thấy vẫn thiếu thiếu một cái gì đó, khó diễn tả bằng lời. Trẻ em chơi với trẻ em chắc chắn sẽ thú vị hơn.

Và thế là, cho đến giờ, sau mười năm hoạt động, KHD không những vẫn là bạn thân của các em nhỏ, mà còn ngày càng trở nên thân thiết với nhiều em hơn. Một doanh nghiệp làm sách trở thành bạn thân của độc giả thì đáng để tự hào quá rồi.

PV: Nếu muốn đứng ở vị trí không ai đứng được thì phải chịu được những khó khăn, cảm giác mà không ai có thể chịu được. Hẳn rằng, KHD đã trải qua không ít khó khăn, thử thách. Bí quyết để KHD có được profile ấn tượng như hiện nay là gì?

Nhà văn - Dịch giả Vũ Danh Tuấn: Vượt qua áp lực mang tên niềm tin yêu của độc giả.

Nghe có vẻ hơi “nổ”, nhưng đó lại là thực tế khó nhất mà chúng tôi buộc phải vượt qua. Lời khen ở một mặt nào đó là doping, nhưng mặt khác, nó lại chính là áp lực.

Với các sáng lập viên KHD, bí quyết vượt qua áp lực ấy là làm việc, làm việc, làm việc bằng những gì mình có…và cả những gì mình chưa có. Chúng tôi có nhiều thứ, lại không phải lo đến mưu sinh trong khi làm nghề, đó là cái cực lớn.

Thế nhưng, cái chúng tôi Chưa Có cũng không nhỏ. Điển hình là chúng tôi chưa có đối thủ cạnh tranh. Thiếu yếu tố này rất dễ khiến con người ta không muốn thay đổi. Sách KHD thường là hết rất nhanh. Một bộ sách vừa ra, chúng tôi đã có đề nghị làm nhanh bộ mới. Cứ như thế, KHD đã và đang mải miết đi theo một con đường tưởng là hoàn hảo và không có sức ép để thay đổi sang hẳn một cái mới mẻ.

Tóm lại, tới giờ bí quyết của chúng tôi vẫn là làm việc, trong khi cái chúng tôi nên làm đáng lẽ ra phải là làm tiếp những việc đang tốtlàm song song những cái mới. Xã hội luôn vận động nên sẽ chẳng có gì bất biến. Cái hay của ngày hôm nay chưa chắc đã hợp với ngày mai.

PV: Trong rất nhiều những chia sẻ, anh từng nói: Xuất phát điểm anh đến với công việc dịch giả đơn thuần như một người “vì yêu mà đến”, thong dong bước vào cuộc dạo chơi. Nhưng điều gì đã giữ chân anh lại và say sưa, hết lòng với dòng sách ngoại văn cho trẻ em như hiện tại?

Nhà văn - Dịch giả Vũ Danh Tuấn: Tôi từng có một tuổi thơ đẹp gắn liền với những cuốn sách. Tôi yêu tuổi thơ đó và muốn các bạn nhỏ cũng có một tuổi thơ gắn với sách.

Còn hỏi tại sao tôi chọn chuyển ngữ sách ngoại văn thì có ba lí do:

Lí do thứ nhất, sách ngoại văn là tinh hoa văn hóa nhân loại. Thế giới quá rộng lớn, nó luôn chờ đợi các bạn nhỏ lớn lên và đi ra thế giới với đầy đủ…vũ khí. Ngành nghề gì rồi cũng phải giao lưu hợp tác với bạn bè quốc tế mới phát triển. Ta muốn giao lưu hợp tác thành công, thì nhất định phải hiểu văn hóa của bạn, con người của bạn. Muốn hiểu văn hóa thế giới, muốn xóa nhòa khoảng cách địa lí, thì sách chính là công cụ rất tốt.

Lí do thứ hai là sách ngoại văn làm được nhiều điều mà các bạn nhỏ cần. Bản chất của trẻ là tò mò. Chúng lớn lên vì tò mò và sách ngoại văn chính là phương tiện để chúng thỏa mãn sự tò mò ấy. Nó cho chúng biết nhiều điều trường học và gia đình chưa chắc đã đủ điều kiện thời gian để làm.

Dân ta phải thấm nhuần văn hóa ta, đó là lẽ tất yếu. Nhưng đọc sách ngoại văn và phát triển bản thân bằng những hiểu biết về văn hóa thế giới, để xây dựng một Việt Nam gần gũi với thế giới thì không thể nói việc đó là không-phải-yêu-nước được.

Lí do cuối cùng là bản thân tôi rất thích sách ngoại văn. Làm những gì mình thích, chắc chắn sẽ có kết quả tốt nhất. Điều này cũng khiến cho tôi làm việc mà vui như đi chơi. Và nói chính xác thì phải là chơi quần quật…(cười)

PV: Bao nhiêu năm qua, KHD vẫn kiên định với việc chủ động trong mọi khâu, kể cả phát hành. Còn Nhà văn, dịch giả Vũ Danh Tuấn chỉ muốn làm kẻ độc hành để toàn tâm toàn ý với “đứa con tinh thần”, làm chủ cuộc chơi rất riêng. Lựa chọn mảng sách dành cho thiếu nhi, một phân khúc quá rộng, dễ làm mà khó hay; tiêu chí lựa chọn sách dịch như thử thách chính mình; triết lý vận hành độc – lạ… Có phải vì yêu quá, nâng niu quá nên thành ra “ái kỉ” hay không?

Nhà văn - Dịch giả Vũ Danh Tuấn: Một nhà văn, một dịch giả yêu nghề và yêu những đứa con tinh thần của mình là chuyện bình thường. Chọn phân khúc riêng và cách làm riêng cũng vẫn không quá đặc biệt.

Đúng là phân khúc sách dành cho thiếu nhi quá rộng. Đó cũng là lí do tôi soạn cả một Cẩm nang đọc KHD (https://www.facebook.com/Vu.Roger/posts/1617759298345771/) cho độc giả.

Đã đành sách dành cho trẻ em nhưng vì thời gian và nguồn lực của bố mẹ các em là hằng số nên cần có sự ưu tiên cuốn nào nên đọc trước, cuốn nào nên đọc sau; cuốn nào bắt buộc phải đọc, cuốn nào cần thiết phải đọc và cuốn nào đọc được thì tốt. Cứ theo ưu tiên như thế, chúng tôi tư vấn cho độc giả ở các độ tuổi, từng hoàn cảnh, và từng giới tính khác nhau, những đồ thị đọc theo kiểu đo ni đóng giày.

Về việc ái kỉ thì tôi cho rằng mình không mắc chứng này, bởi:

Thứ nhất, tôi không cuồng sách của mình đến mức muốn các em phải đọc tất cả sách tôi dịch mà bỏ qua việc em ấy có đủ điều kiện và có đúng tuổi hay không. Chúng tôi sẽ gợi ý cho một độc giả học trung học phổ thông 1 cuốn “Joe Số Dách”, chứ không đời nào gợi ý bộ “Đồ chơi không vô tri” cho bạn ấy. Và ngay cả khi bạn ấy hỏi mua bộ “Đồ chơi không vô tri” để đọc, thì chúng tôi sẽ gàn.

Thứ hai, tôi vẫn muốn nghe mọi góp ý phê bình, và chưa bao giờ tự ái khi nhận góp ý trái chiều.

 Thứ ba, tôi không che giấu những cái sai của mình, tỉ như việc làm đính chính nếu phát hiện ra ít lỗi dù nhỏ…

Nếu tôi ái kỉ, tôi sẽ flex rất khác, chứ không như trên…(cười)

PV: Những điều KHD và Nhà văn-dịch giả Vũ Danh Tuấn đang làm với nỗ lực lớn để lan tỏa văn hóa đọc thật đáng quý. Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4/2024, anh muốn nói gì với độc giả của mình?

Nhà văn – Dịch giả Vũ Danh Tuấn: Thú thực, tôi không hề có mục tiêu to tát như lan tỏa văn hóa đọc. Tôi chỉ muốn các bạn nhỏ tìm đọc những cuốn sách mà tôi đã nâng lên đặt xuống rất nhiều từ khi chọn, trong khi chuyển ngữ và cả lúc quyết định có in hay không.

Còn để tôi nói vài điều với các bạn độc giả nhỏ tuổi của mình nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thì xin được thay bằng thông báo là: Các file của bộ sách bốn cuốn có tên là CÂY RỖNG, bộ chào hè 2024 này, đã được gửi tới nhà máy in. Mời các bạn đón đọc (cười).

PV: Nếu phải dùng ít từ nhất để nói một cách cô đọng nhất về món quà mùa hè này, thì anh cần dùng bao nhiêu từ? Và đó là những từ gì?

Nhà văn – Dịch giả Vũ Danh Tuấn: Cây Rỗng” năm nay làm được khá nhiều việc. Nếu nhìn tổng thể các bộ đã ra trong dải tuổi đọc Tiểu học thì dễ dàng nhận thấy một “Hơi thở đồng xanh” trong trẻo, một “Thung lũng vui vẻ” hài hước, một “Bác tai dài ngọ ngoạy” vui tươi, một “Đồ chơi không vô tri” thấm đẫm không khí lễ hội, một “Các con vật nhà Lão Bean” thiên về làm giàu trí tuệ cảm xúc, và một “Cây rỗng” thông minh và bất ngờ.

Khi làm việc với nhóm biên tập về bộ sách “Cây rỗng”, tôi thường xuyên nhận được những câu cảm thán kiểu: Khó-thế-mà-tác-giả-cũng-nghĩ-ra! Tỉ như chuyện Gấu Già ngủ cả mùa đông mà tỉnh dậy tưởng vừa mới ngủ được vài tiếng, nên ngủ tiếp. Sau khi ngủ tiếp được vài tiếng, nó lại tỉnh dậy, nhưng lần này con gấu lại ngỡ mình đã ngủ suốt mùa đông.

Tác giả xây dựng cốt truyện và tình tiết bằng cách dẫn dắt các độc giả của mình đi một con đường rất quanh co, rồi bất ngờ đưa chúng về điểm xuất phát, theo cái cách mà người lớn cũng không thể ngờ được. À mà kiểu dẫn đường “khù khoằm” này cũng xuất hiện trong “Cây rỗng” ở chương đám động vật được Chim Sơn Ca dẫn đường, theo dấu mùa xuân…

Tựu chung lại, Thông minhBất ngờ là 2 từ tôi muốn nói về bộ sách “Cây rỗng” mà KHD ra mắt độc giả vào dịp hè năm nay.

PV: Cùng câu hỏi trên, nhưng nếu anh ở vị trí là độc giả?

Nhà văn – Dịch giả Vũ Danh Tuấn: Tôi chỉ nghĩ đến 1 từ duy nhất, đó là Hay (cười)

PV: Là một nhà văn – dịch giả dành rất nhiều tâm huyết để những tác phẩm dịch của mình được “làm bạn” đúng nghĩa với trẻ em, lại cũng là bố của hai bạn nhỏ, vậy anh đồng hành cùng việc đọc của các con thế nào?

Nhà văn – Dịch giả Vũ Danh Tuấn: Tôi cho rằng, đọc là một việc lớn nên luôn muốn hình thành thói quen và tình yêu với đọc sách cho các cháu. Tôi không muốn các cháu cứ phải ưu tiên bài ở trường rồi mới đến đọc truyện. Nếu cứ ưu tiên như thế, khi bận bịu với đủ dạng bài tập thì các cháu sẽ không có thời gian đọc sao? Trong khi đó đọc sách là một đầu vào cực kì quan trọng. Cái này tôi gọi là thái độ của bố mẹ với việc đọc của con cái.

Khi đồng hành với các con trong việc đọc truyện, tôi rất chú trọng việc chọn các đầu sách thiên về việc bồi dưỡng tâm hồn, vui vẻ và tình cảm. Tôi tránh cho các con đọc sách kĩ năng hoặc phát triển bản thân theo kiểu công thức thuần túy. Tôi dị ứng những loại sách kích hoạt, dẫn đầu, hoặc thay đổi… Nếu ai cũng cứ làm theo những lời khuyên đó thì xã hội trở buồn tẻ với vô vàn phiên bản giống nhau. Việc chọn sách quan trọng đến nỗi có thể thổi bùng lên tình yêu của các em với sách vở, khi các em được đọc những đầu sách cuốn hút. Nhưng nó cũng có thể dập tắt ngọn lửa tình yêu ấy, nếu các em đọc nhầm sách.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

Nội dung: Hương Thảo

Ảnh: Hương Thảo và nhân vật cung cấp

Đồ họa: Mai Huyền