Chúng tôi mượn những lời thơ này, để nhắc đến 127.000 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng có chồng, con hi sinh; là gần 13.000 Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và Anh hùng Lao động; là gần 800.000 Thương binh và người được hưởng chính sách như Thương binh; là hơn 300.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam; là gần 111.000 người hoạt động cách mạng, người tham gia kháng chiến bị địch bắt giam, tù đày, tra tấn trong các nhà tù – Những người đã góp phần tạc nên dáng hình đất nước.

Thanh Hóa, xứ sở của những bản hùng ca đã đóng góp 350.377 người có công với cách mạng. Cụ thể: 4.634 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 55.977 liệt sĩ; 860 cán bộ lão thành cách mạng, 444 cán bộ tiền khởi nghĩa, 43.610 thương binh; 15.977 bệnh binh; 15.237 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 1.169 người có công giúp đỡ cách mạng; 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 210.833 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương. Những con số trên phần nào cho thấy cái giá của hòa bình, độc lập, tự do đáng quý như thế nào.

Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, Báo Thanh Hóa thực hiện loạt bài Những anh hùng trên “xứ sở của những bản hùng ca” Thanh Hóa, viết về những Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân qua các thời kỳ. Có lẽ, sẽ không còn nhiều cơ hội nữa để lắng nghe những huyền thoại sống chiêm nghiệm về quá khứ, về một thời tuổi trẻ nơi trận mạc. Bởi, thế hệ những người lính chống Pháp nay tuổi trung bình đã 80-90, nhiều người đã mất... Thế hệ những người hùng chống Mỹ cũng đã bước vào tuổi 70… Giờ là lúc tìm tới họ, để họ kể lại những câu chuyện đời mình, để hậu thế trân trọng và tự hào về lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Những câu chuyện vì thế không chỉ là những bài học lịch sử ý nghĩa, thấm thía, mà còn có giá trị vượt thời gian, trở thành lời nhắn gửi cho thế hệ mai sau. “Họ đã cầm súng để chúng ta cầm bút, họ đi qua bóng tối để chúng ta được ngắm ánh bình minh”.

Tháng 12 lịch sử, chúng tôi tìm đến nhà Thiếu tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Quang Khải tại thôn 4, xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa). Vợ ông đón chúng tôi từ đầu ngõ rồi tất tưởi ra ruộng kèm lời nhắn: “Ông đợi trong nhà, các cháu vào chơi với ông. Bà ra ruộng nhổ nốt đám cải còn kịp giờ chợ, để lâu cải ra hoa không bán được”.

Ngôi nhà cấp 4 nhuốm màu thời gian không có tiện nghi gì nhiều ngoài những bức ảnh gia đình và bộ bàn trà uống nước cũ. Trước khi đến nhà ông, tôi đã tưởng tượng rất nhiều về một anh hùng - những người một thuở dữ dội, oai hùng “Đạp quân thù xuống đất đen”. Để rồi, khi gặp ông mới thấy người anh hùng trong đời thường chân chất biết bao nhiêu. Trang phục giản dị, nói cười sảng khoái. “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.  

Nhấp ngụm café pha sẵn, ông bắt đầu kể về những năm tháng chiến tranh ác liệt và quá khứ hào hùng của đời mình. Sinh năm 1952 trong một gia đình thuần nông đông con, 18 tuổi ông xung phong nhập ngũ. Do thể lực tốt, bơi giỏi, chiến sĩ trẻ Trần Quang Khải đã được tuyển vào Đội 1 của Đoàn 126, quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng. Sau thời gian huấn luyện khắc nghiệt, chàng đặc công được điều động vào mặt trận Cửa Việt - Quảng Trị. Ngoài khí hậu diễn biến thất thường, nơi đây còn được được mệnh danh “đất lửa” vì sự khốc liệt của chiến tranh. Bất cứ lúc nào, không kể ngày đêm, máy bay của Mĩ cũng có thể oanh tạc. Rồi ngoài khơi, pháo tầm xa của Hạm đội 7 trên biển Thái Bình Dương bắn vào nên mọi hoạt động của bà con Nhân dân cũng như bộ đội đều diễn ra dưới hầm. Với nhiệm vụ do thám và đánh tàu địch trên các cửa sông, Trần Quang Khải đã nhiều lần do thám để hỗ trợ đồng đội đánh tàu. Có lần đi trinh sát, ông bị lạc vào hướng lô cốt địch, bị chúng phát hiện và bắn đạn như mưa, nhưng ông may mắn thoát chết.

Do bị quân ta đánh chìm nhiều tàu vận tải trên khúc sông Cửa Việt, Đông Hà, quân địch buộc phải thay đổi phương thức vận tải. Để tránh thiệt hại, Bộ Chỉ huy Hải quân Mỹ - ngụy đã lệnh cho các đơn vị vận tải chỉ được sử dụng tàu dưới 4.000 tấn vào cảng. Các tàu có trọng tải lớn hơn phải neo đậu ngoài biển, cách bờ từ 1 đến 5 hải lý, chờ xà lan và tàu nhỏ ra lấy hàng, tuyệt đối không được vào cảng. Sự thay đổi phương thức vận tải của Mỹ - ngụy khiến cán bộ chiến sĩ Đoàn 126 phải thay đổi lối đánh.

Ngày 2/9/1969, thông tin Bác mất báo về, trời đất Vĩnh Linh mù mịt trong mưa và nước mắt. Chưa vơi nỗi đau, trinh sát mặt trận thông tin về: Chiếc tàu chở dầu 15.000 tấn, mang tên USS Noxubee di chuyển vào. Hạm đội 7 trên Thái Bình Dương lúc bấy giờ có hai chiếc tàu chở dầu, nay một chiếc di chuyển vào phía Nam cảng Cửa Việt, chắc chắn là chúng chuẩn bị cho những trận càn vào khu vực này. Tiêu diệt được con tàu này đồng nghĩa với việc làm suy yếu kẻ địch ở chiến trường Quảng Trị ác liệt.

Biến đau thương thành hành động cách mạng, đánh địch lập công đền ơn Bác, lãnh đạo Đoàn 126 đã lên kế hoạch để đánh tàu này. Đây cũng là trận đánh tàu ngoài biển đầu tiên của đơn vị nên mọi sự tính toán, chuẩn bị phải thật chính xác, kỹ lưỡng. Theo đó, chỉ huy Đoàn 126 xác định cách đánh: dùng lực lượng nhỏ, trang bị gọn nhẹ, áp dụng kỹ thuật đặc công, bí mật thọc sâu xuống bờ phía nam sông Cửa Việt, sau đó bơi ra tiếp cận tàu địch, áp mình vào mạn tàu rồi đặt mìn, hẹn giờ cho nổ.

Cửa sông Cửa Việt rộng chừng 300m, có độ sâu từ 4 - 6m, ra khỏi bờ 1km thì độ sâu lớn hơn. Thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9 thường mưa nhiều, nước từ thượng nguồn đổ ra với lưu lượng lớn, hơn nữa địa hình lòng sông không bằng phẳng nên dễ tạo ra những vòng xoáy lớn nơi cửa sông, rất nguy hiểm. Trong khi đó, về phía địch, ngoài lực lượng phòng hộ được bố trí trên bờ, trên sông, trên biển, cách bờ khoảng 5 - 8 km luôn có một tàu tuần dương của Mỹ hoạt động cảnh giới. Nơi cửa sông thì luôn có tàu tuần tra ven biển, tàu quét mìn, tàu cứu thương. Phía nam Cửa Việt, sát mép biển có hai lô cốt và nhiều đài quan sát. Quanh khu vực Cửa Việt, quân địch lắp rất nhiều đèn pha nên ban đêm cũng sáng như ban ngày, chưa kể trên tàu chở dầu còn có có rađa theo dõi.

Sáng 6/9, tổ công tác gồm Trần Quang Khải, Trần Xuân Hỗ và Bùi Văn Hy nhận nhiệm vụ chiến đấu. Hỗ, Khải mỗi người nhận một quả mìn hẹn giờ nặng gần 7kg. Hy mang dao găm và thủ pháo... Chập tối cùng ngày, các anh xuống đò và được trinh sát đưa qua sông Bến Hải đến thôn Tám thì rút. Một ngày một đêm ẩn mình trong thôn Tám chờ thời cơ, sáng ngày 7/9, bà con ra cồn cát để nhặt củi đã phát hiện thấy 3 chiến sĩ. Không còn cách nào khác, các anh đành phải nói rõ mình là quân giải phóng, được giao nhiệm vụ vào đây để đánh tàu địch, rất mong được Nhân dân giúp đỡ. Các anh được bà con tin tưởng. Nhân dân đã không những giữ bí mật mà còn mang cơm nước ra cho các anh, rồi còn dặn dò những điều rất cần thiết khi ẩn nấp. Tuy nhiên, nhằm giữ bí mật, các anh đã chuyển chỗ ẩn nấp từ cồn cát ra cánh đồng.

Tối đến, tổ chiến đấu bắt đầu xuất phát. Con tàu chở dầu đậu cách bờ 3km. Tổ công tác đi ngược lên thì gặp một bãi thuyền của dân nhưng hoàn toàn không có người. Anh Hy ở lại đây làm nhiệm vụ chỉ huy. Hỗ, Khải mang mìn, hai người lựa theo chiều sóng, kết nối với nhau bằng dây bơi. Hôm ấy biển động, sóng rất to. Hai người bơi cách bờ hơn 1km thì trời nổi dông, mưa ào ào trút xuống. Không thể tiếp tục, hai người đành quay vào bờ ẩn náu.

Thêm một ngày đằng đẵng nữa trôi qua dưới cái nóng nung của mặt trời.  “Thật khó tưởng tượng nổi sao hồi đó sức chịu đựng của mình lại giỏi đến vậy. Trời thì nắng như thiêu như đốt, hết ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ rồi ẩn mình dưới cát, trốn dưới ruộng lúa, cứ thế mấy ngày liền mà không sao” - ông Khải ngừng mạch chuyện chốc lát.

Chiều tối ngày 9/9, Trần Quang Khải và Trần Xuân Hỗ mang vũ khí, đeo phao, lần theo mép nước để bơi ra biển, một sợi dây khoảng 30m được buộc liên kết giữa hai người. Tổ trưởng Bùi Văn Hy ở trên bờ để cảnh giới và đón đồng đội. Do mấy ngày ẩn nấp dưới cát, dưới bùn, ăn uống không đủ nên sức khỏe yếu nhiều, thêm vào đó sóng to, gió lớn, mang theo vũ khí nặng nên các chiến sĩ không thể bơi nhanh.  Sau khoảng 3 giờ ngụp lặn trong nước, vật lộn với sóng to, gió lớn, cuối cùng Khải và Hỗ cũng đã bám được vào dây neo của tàu. Hỗ luồn về bên trái mạn tàu, còn Trần Quang Khải luồn sang phải. Cả hai tìm khoang chứa dầu, lấy dao cạo hà trên vỏ tàu, sau đó áp mìn vào, vị trí hai quả mìn đặt cách nhau 3m, dưới độ sâu nước biển là 0,5m. Một điều đặc biệt là khi mìn đã được gắn vào thì sẽ không thể tháo gỡ được. Vì lo ngại nam châm yếu, khó giữ được mìn vào thành tàu, ông Khải dùng dao cắt phao mìn. Bất ngờ chiếc phao nổi lên mặt nước, một tên lính gác trên tàu phát hiện ra, lập tức nổ súng báo động. Tiếp đó là đạn tiểu liên và lựu đạn ném xuống quanh tàu như mưa khiến Trần Quang Khải bị thương vào đùi. Tàu địch báo động, con tàu nhổ neo di chuyển tạo ra một áp lực nước rất lớn. Trong khi đó, Mỹ - ngụy điều động 2 máy bay trực thăng, 1 máy bay C130, 5 tàu tuần tra từ Cửa Việt ra vùng biển có chiếc tàu dầu neo đậu, kết hợp với tàu tuần dương và khu trục ngoài khơi vào sục sạo, truy tìm. Trên bờ, các đơn vị, căn cứ của Mỹ ngụy từ Cửa Việt đến Cửa Tùng được lệnh báo động khẩn cấp, đưa quân bao vây mọi ngả nhằm truy tìm bằng được đặc công Bắc Việt.

2 giờ 30’, ngày 9/9, Trần Quang Khải bơi vào được bờ nhưng không gặp tổ trưởng, do quân địch càn quét dữ nên Bùi Văn Hy đã di chuyển nơi ẩn nấp sang một nơi khác. Trần Quang Khải phải bò sâu vào bên trong bãi cát, phía sau những hàng phi lao thì mới gặp được Bùi Văn Hy. Họ ẩn mình và đợi đến 3 giờ 30’ vẫn không thấy Trần Xuân Hỗ nên đành rút về bờ phía nam Cửa Việt để đợi đồng đội. Đến tối 9/9, vẫn không thấy Trần Xuân Hỗ, hai người quyết định vượt sông trở về bờ Bắc. Trần Xuân Hỗ, do bị sức ép gây choáng váng, lại thêm sóng to gió lớn nên mãi đến 3 giờ sáng 9/9 mới vào đến bờ. Không tìm thấy đồng đội, anh tìm chỗ ẩn nấp và đêm hôm sau tìm ra bờ sông, bơi về bờ bắc sông Cửa Việt. Tại đây, 3 chiến sĩ trong tổ đánh tàu đã gặp nhau. Sang 10/9, tổ đánh tàu mới về được đến căn cứ.

Lại nói về chiếc tàu chở dầu của địch bị đặc công Bắc Việt gắn mìn vào thành tàu, nên khi chạy về phía Cửa Việt được chừng 1km thì hai tiếng nổ lớn phát ra. Cả một quầng lửa sáng rực trên biển. Việc tàu chở dầu 15.000 tấn của Mỹ được trang bị hiện đại, có thiết bị chống người nhái, chống đặc công nước, được canh gác, bảo vệ rất nghiêm ngặt bị đánh trên biển Cửa Việt khiến cho Mỹ - ngụy khiếp sợ. Khi đó dư luận thế giới cũng chấn động. Các tờ báo tại Sài Gòn chạy những hàng tít lớn trên trang nhất về sự kiện này. Hơn 70 tờ báo của các nước cũng đưa tin. Nhiều tờ báo đặt câu hỏi bằng cách nào mà Việt Cộng đã đánh được con tàu hiện đại được bảo vệ nghiêm ngặt như thế, nhất là khi trên tàu có ra đa quét 24/24, ngay đến một con cá cũng không thể lọt qua. Về phía ta, trận đánh tiêu diệt tàu chở dầu USS Noxubee đậu ngoài khơi cảng Cửa Việt đã tạo nên tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh trên toàn thế giới phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, mở ra phương thức tác chiến mới cho bộ đội đặc công nước, không những đánh tàu trong cảng, trong sông, mà còn đánh tàu ở ngoài khơi; đồng thời khích lệ tinh thần chiến đấu trên toàn mặt trận, mở đầu phong trào cả nước “biến đau thương thành hành động cách mạng” sau khi Bác Hồ qua đời.

Sau trận đánh ấy, ông Khải lại cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu và lập chiến công ở nhiều trận đánh khác, rồi được cấp trên cử sang Liên Xô đi học… Năm 1990, khi ở cương vị là Phó Chủ nhiệm chính trị, Lữ đoàn 299, quân đoàn I, ông về hưu với quân hàm Thiếu tá.

Trong chiến đấu, đối mặt với gian khổ, chết chóc là một tất yếu, song trong cuộc sống thường nhật vợ chồng ông Khải cũng cũng không kém phần gian nan. Ông chia sẻ: “Khi đó lương bộ đội thấp, gia cảnh lại quá khó khăn. Ở quê nhà còn có mẹ già, vợ, 3 đứa con nheo nhóc và một cô em gái bị bệnh tâm thần từ bé”. Cuộc sống tiếp tục thử thách ông với sự nghiệt ngã. Đó là vụ tai nạn kinh hoàng của người con trai cả, khi còn là sinh viên Đại học Bách khoa. May mắn sống sót, anh không thể tiếp tục đi học, nên đã về giúp việc nhà. Con trai thứ hai theo con đường binh nghiệp của cha, hiện đóng quân và sinh sống tại Hải Phòng.

Sóng gió qua đi, người lính già tất bật với con gà, con lợn, luống rau và tíu tít bên đàn cháu nhỏ... cùng vợ. Tôi tự hỏi mình: Phải chăng đó là hạnh phúc! Hạnh phúc vốn chẳng phải là những điều xa lạ mà con người nhọc công tìm kiếm. Hạnh phúc chính là những điều giản dị quanh mình khi mình biết sống vì người khác. Năm 2015, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có “Thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước”. Đây không chỉ là vinh dự của riêng cá nhân, gia đình ông, mà là vinh dự của cả dòng họ, làng, xã. Chiến công năm ấy, đến nay đã hơn 46 năm. Tuy hơi muộn nhưng với ông, đây vẫn là điều may mắn. “Mình vẫn may vì đang còn sống để được nhận danh hiệu này, chứ nhiều người… chết rồi mới được truy tặng”. Nói rồi ông lại cười, vẻ hồn nhiên, chất phác của một lão nông.

Nội dung: Tăng Thúy

Ảnh: Hoàng Sơn và Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền