Trước khi trở thành một phần của Red Bull, Jurgen Klopp không ít lần nói về "truyền thống" và "bản sắc" trong bóng đá. Đơn cử như năm 2017, HLV người Đức từng chia sẻ như sau với tờ Marca: "Tôi thích những truyền thống tươi đẹp trong bóng đá. Ví dụ như ở Đức, chỉ còn hai CLB hát "You'll Never Walk Alone (bài hát cổ động của Liverpool, đội bóng do Jurgen Klopp dẫn dắt thời điểm đó-ND), trước khi trận đấu diễn ra, đó là Mainz và Dortmund". Một điều khá thú vị đó là cả hai CLB mà Klopp nhắc tới trong bài phỏng vấn đều là những câu lạc bộ ghét RB Leipzig ra mặt, đặc biệt là ở thời điểm đội bóng tới từ phía Đông nước Đức giành quyền lên chơi ở Bundesliga mùa giải 2016-2017.

Trong lịch sử bóng đá Đức, có thể nói, RB Leipzig là một trong những CLB bị ghét nhất nước Đức, một điều có vẻ lạ với những người không tìm hiểu kỹ bóng đá Đức. Bởi lẽ, từ trước đến nay, khi nói về thành công của các CLB Đức cả về mặt tài chính lẫn thành tích sân cỏ, chỉ có đội bóng tới từ thành phố từng thuộc Cộng hòa dân chủ Đức này là có thể so sánh được với hai ông lớn Bayern Munich và Borussia Dortmund.

Vậy, đâu là lý do khiến RB Leipzig trở thành "gã lính mới" bị ghét nhất bóng đá Đức trong vòng gần 10 năm trở lại đây? Câu trả lời nằm ở chính những pha "lách luật" ngoạn mục của ban lãnh đạo CLB này, tập đoàn Red Bull.

Bên cạnh việc lách luật 50+1, một bộ luật được xem là "linh thiêng" của bóng đá Đức, các ông chủ của Red Bull còn khéo léo trong việc sử dụng ngôn từ để có thể đưa được cái tên Red Bull lên tên của đội bóng, một điều bị cấm trong bộ luật của Liên đoàn Bóng đá Đức. Cụ thể, CLB này đã lấy tên đầy đủ của mình trong tiếng Đức là Rasenballsports Leipzig (CLB bóng sân cỏ Leipzig-ND) để khi viết tắt, thương hiệu Red Bull của họ vẫn có thể được hiện diện dưới cái tên viết tắt RB Leipzig, lấy từ hai chữ cái đầu trong chữ Red Bull. Đương nhiên, theo luật của bóng đá Đức, điều này hoàn toàn hợp lệ.

Bên cạnh một ban lãnh đạo sành sỏi luật bóng đá Đức, thành công của RB Leipzig còn đến từ bàn tay của Dietrich Mateschitz, một thiên tài trong giới kinh doanh Áo và là người đã tìm ra Krating Daeng, thứ nước uống được xem là "tiền thân" của Red Bull ngày nay.

Jurgen Klopp, dù thể hiện sự bất bình với cung cách hoạt động của RB Leipzig cùng những pha "lách luật" của đội bóng này, vẫn cho thấy dành rất nhiều sự ngưỡng mộ cho  Dieter Mateschitz cùng những gì ông đã làm được cho đội bóng này. Đầu tiên, Klopp dành sự ngưỡng mộ cho những bản hợp đồng của RB Leipzig, hầu hết là những bản hợp đồng thuộc dạng "ngọc thô" ít tiếng tăm, một chiến lược có nhiều điểm tương đồng vói chiến lược của Borussia Dortmund thời điểm Klopp vẫn còn là HLV trưởng của Vàng-Đen. Tiếp theo, đó là hệ thống đào tạo trẻ do chính Dietrich Mateschitz xây dựng cho đội bóng này, một hệ thống đào tạo trẻ đã và đang "mài dũa" nhưng ngôi sao tương lai của bóng đá thế giới, trong đó nổi bật nhất là Xavi Simons, cầu thủ người Hà Lan hiện đang thi đấu dưới dạng cho mượn ở CLB này từ Paris Saint Germain.

Một điều khác cũng khiến Klopp thấy ấn tượng ở RB Leipzig đó là việc đội bóng này chưa bao giờ suy yếu dù đã bán rất nhiều cầu thủ trong quá khứ. Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn trước trận giao hữu với Red Bull Salzburg diễn ra cách đây 2 năm, Jurgen Klopp từng chia sẻ như sau về các đội bóng của Red Bull: "Họ luôn thay đổi mỗi năm. Họ lúc nào cũng bán cầu thủ nhưng vẫn là một tập thể vững chắc. Những điều họ làm được thật sự rất thú vị. Có thể nói, triết lý bóng đá của họ khá tương đồng với triết lý bóng đá của chúng tôi".

Ngoài những tương đồng triết lý bóng đá cũng như cung cách quản lý, Mateschitz còn có một điểm khá tương đồng với Klopp, đó là lối ăn mặc. Cụ thể, theo The Athletic, khác với hình ảnh sang trọng của các vị chủ tịch câu lạc bộ bóng đá ở Châu Âu, Mateschitz thường lựa chọn những bộ quần áo đơn giản như sơ-mi ca rô đi kèm với quần jean, thêm vào đó, thay vì đi lại bằng những chiếc ô tô đắt tiền, ông chủ của Red Bull thường xuyên di chuyển bằng những chiếc mô-tô hoặc thậm chí là... xe scooter.

Dù tới tháng 10 năm nay, Jurgen Klopp mới tuyên bố quyết định gây "rúng động" làng bóng đá Đức của mình, nhưng theo một tờ báo của Đức, Dietrich Mateschitz đã tiếp cận Jurgen Klopp ở thời điểm cách đây 2 năm, thời điểm ông chủ người Đức đang chống chọi với căn bệnh ung thư tụy. Thậm chí, cả hai đã có một cuộc gặp mặt ở thời điểm vài tháng sau khi Liverpool của Klopp có trận giao hữu với Red Bull Salzburg. 

Tuy được ông chủ CLB mình luôn mến mộ tiếp cận từ năm 2022, Jurgen Klopp không quyết định gia nhập Red Bull ngay lập tức mà chờ cho đến khi ra tuyên bố chia tay Liverpool vào đầu tháng 1 năm nay, ông mới quyết định trở thành một phần của "đại gia đình" này.

Cũng theo một chia sẻ của Raphael Honigstein trong phiên bản cập nhật của quyển sách Bring The Noise (Làm bầu không khí sôi động-ND) do ký giả này chắp bút, Peter Krawietz, một trợ lý của Klopp đã tiết lộ với ký giả này về việc HLV người Đức đã tính đến việc rời khỏi Liverpool sau khi nhận ra ông không còn sức lực để tập trung vào các chuyến du đấu tiền mùa giải 2023-2024. Cũng theo Krawietz, sau khi "tiền bối" của ông quyết định đã đến lúc dừng lại, cả ông cùng Pep Lijnders, "cánh tay phải" của Jurgen Klopp, cả hai đều ủng hộ quyết định "gây ngạc nhiên nhưng không hề gây sốc" này của HLV người Đức.

Một điều khá thú vị, đó là dù Dieter Mateschitz qua đời vào tháng 10 năm 2022, cầu nối giữa Jurgen Klopp và tập đoàn đồ uống và thể thao hàng đầu của Áo vẫn được giữ vững thông qua hai người, đó là Marc Kosicke, đại diện của Jurgen Klopp, và Oliver Mintzlaff, chuyên gia đầu ngành về marketing của Red Bull - người được Mateschitz đem về sau những thành công mà cựu vận động viên chạy bộ này đạt được khi còn làm việc cho hãng thời trang thể thao Puma.

Với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, đặc biệt là với những ai yêu mến Liverpool và Jurgen Klopp, việc HLV người Đức tìm được một bến đỗ cho chuyến hành trình tiếp theo của mình với bóng đá là một tin vui. Vì vậy, khi thông tin về việc HLV người Đức gặp phải rất nhiều sự phản đối sau quyết định gia nhập Red Bull của ông, nhiều CĐV Liverpool ở Việt Nam đã cảm thấy khó hiểu, một số thậm chí cho rằng người Đức, đặc biệt là các CĐV Borussia Dortmund và Mainz 05, đang quá khắt khe với Jurgen Klopp, người đã đem về rất nhiều thành công cho cả hai CLB này trong quá khứ.

Đúng là với người Việt Nam chúng ta, những người luôn coi trọng thành quả của những người đã đem lại thành công cho một CLB hay một đội bóng mà chúng ta yêu thích, việc Jurgen Klopp vấp phải sự phản đối của người hâm mộ bóng đá Đức là một điều gì đó khá khó hiểu. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng với người Đức, đặc biệt là những người yêu bóng đá, có những thứ còn "linh thiêng" hơn cả những thành quả, những danh hiệu, đó là truyền thống, là những luật lệ "bất thành văn" của nền bóng đá này, những thứ mà theo họ đang bị "chà đạp" bởi CLB thuộc sở hữu của tập đoàn đồ uống lớn nhất thế giới này.

Nói rằng người Đức "nổi giận" với Klopp cũng không hoàn toàn đúng. Nếu nói đúng hơn, các CĐV Đức, đặc biệt là CĐV của Mainz 05 và Borussia Dortmund cảm thấy "tổn thương" nhiều hơn là tức giận. Có thể thấy rõ sự tổn thương của CĐV hai đội bóng này, đặc biệt là Mainz 05, qua những tấm băng-rôn mà họ căng ra ở các trận đấu Bundesliga mùa này. Cụ thể, ở trận đấu gặp RB Leipzig hồi tháng 10 năm nay, trận đấu diễn ra chỉ vài ngày sau khi Klopp tuyên bố gia nhập Red Bull, CĐV của Mainz 05 đã căng một băng-rôn đong đầy sự uất ức của họ dành cho người thuyền trưởng một thời: "Anh quên hết những gì chúng tôi đã làm cho anh sao ?" Một băng-rôn khác thì nhại lại câu nói của HLV người Đức: "Tôi yêu mến mọi người cho đến khi họ khiến tôi thất vọng", cùng với đó là một câu hỏi chua chát: "Anh điên rồi sao?".

Về phía Dortmund, bên cạnh những phản đối từ các khán giả đến sân, các cầu thủ cũng không đứng ngoài làn sóng giận dữ nhắm vào cựu HLV người Đức, một trong số đó là Kevin Grosskreutz, người đã chia sẻ suy nghĩ của mình về quyết định của ông thầy cũ trên sóng podcast Viertelstunde Fussball. Cụ thể, cựu cầu thủ này chia sẻ: "Tôi tưởng tôi đang gặp phải ác mộng. Sau đó, tôi ước giá như đây là tin giả. Hai tiếng sau, mọi thứ đã được "chốt". Thật sự sốc và buồn. Cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa thể nuốt trôi được cảm giác này. Dù sao đi nữa, ông ấy vẫn là bạn tôi và là một người tôi luôn biết ơn. Dù vậy, khi đứng trên danh nghĩa một fan bóng đá, tôi nghĩ quyết định này của ông ấy thật tệ hại, nói thẳng ra là như vậy. Nhưng, nếu đã coi ai là bạn, đôi khi chúng ta phải chấp nhận quyết định của bạn mình. Tuy nhiên, khi gặp lại nhau, chắc chắn tôi vẫn sẽ nói với ông ấy rằng quyết định của ông ấy là một quyết định tồi tệ".

Những chia sẻ của Grosskreutz, cùng với đó là những tấm băng-rôn chất chứa sự thất vọng của các CĐV Đức sẽ mãi mãi là một điều khó hiểu với những người yêu bóng đá Châu Âu cũng như thế giới. Tuy nhiên, đó cũng chính là điều khiến bóng đá Đức là một trong những nền bóng đá đặc trưng nhất trên thế giới, một nền bóng đá mà ở đó, người hâm mộ, chứ không phải các ông chủ, mới là những người có tiếng nói to lớn nhất trong các quyết định ở bên trong lẫn bên ngoài sân cỏ của câu lạc bộ mà họ yêu mến.

Nội dung: KDNX

Ảnh: The Athletic, Bundesliga, RB Live...

Đồ họa: Mai Huyền