

1. Tháng 2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đề cập đến câu nói bất hủ: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người nhiều lần nhắc đến điều này, khẳng định tính nhất quán, không thể chia rẽ, tách rời Bắc - Nam một nhà và hy vọng cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn, non sông liền một dải, đất nước trọn niềm vui thống nhất. Tư tưởng của Người là sự kế thừa, tiếp thu giá trị, chân lý ngàn đời của lịch sử Việt Nam, từ thuở Vua Hùng dựng nước với sự tích Con Rồng cháu Tiên dòng dõi Lạc Long Quân – Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con, 50 người con theo mẹ lên non, 50 người con theo cha xuống biển; chuyện 99 con voi chầu về một hướng. Ấy là sự thống nhất, đồng lòng, cùng chung chí hướng của mỗi con dân đất Việt, từ thuở hồng hoang lập nước đến nay và mãi mãi về sau.
Bể dâu hàng nghìn năm lịch sử, trải qua biết bao thăng trầm thời cuộc, chân lý, giá trị trường tồn dân tộc Việt Nam là một, nước Việt Nam là một vẫn vẹn nguyên, dẫu có những thời kỳ bị chia cắt do các thế lực ngoại xâm, thực dân, phát xít, đế quốc đang tâm tàn phá. Trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, những đau thương mất mát gây ra bởi quân thù xâm lược, Bác Hồ nhiều lần khẳng định nhất quán rằng: “Nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, vì nước ta là một khối, không ai chia cắt được”, “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”... Ngày 30/4/1975, “Chiến dịch Hồ Chí Minh” toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, đất nước trọn niềm vui, thỏa lòng Bác mong!
Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ. Quá khứ khép lại, cánh cửa hợp tác mở ra, Việt Nam từng bước khẳng định uy tín, vị thế vững chắc trên trường quốc tế. Cái tên Việt Nam không chỉ được nhắc đến với việc đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà còn là sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, được thế giới thừa nhận, vị nể, ngợi ca. Ấy thế nhưng, vẫn còn không ít những người dù mang trong mình “máu đỏ, da vàng” vẫn ôm nỗi hận thù mù quáng, mang bản chất tráo trở, lật lọng, tìm mọi cách để xuyên tạc sự thật, không dám thừa nhận thực tế đổi thay, tiến bộ mà đất nước có được trong suốt 50 năm qua. Những người này vẫn ra rả những luận điệu cũ mèm, cố tình bịa ra những thông tin không đúng sự thật hòng bóp méo, bịa đặt, vu khống về bất kỳ vấn đề, lĩnh vực, sự kiện... nào của đất nước với thái độ hằn học. Họ bất chấp sự thực hiển nhiên đó là đại đa số cộng đồng người Việt Nam ở trong nước và trên thế giới đều trân trọng giá trị của chiến thắng để bảo vệ nền hòa bình, độc lập dân tộc, kiều bào ta vẫn luôn một lòng một dạ hướng về cội nguồn, với niềm tự hào lịch sử dân tộc không bao giờ nguội lạnh, phôi phai.




Mới đây, hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội Biển đảo Việt Nam tổ chức Chương trình “Non sông liền một dải”, với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân sâu sắc các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; gắn kết tình cảm dân tộc từ biên cương, hải đảo đến các vùng sâu, vùng xa. Chương trình trải qua hành trình dài 9.000km, đi qua 20 cột mốc quốc gia, điểm cực trên bộ, trên biển của đất nước; bồi đắp, lan tỏa những giá trị ý nghĩa, nhân văn sâu sắc, trường tồn trọn vẹn về đất nước Việt Nam, kết nối trái tim của những người con thiết tha yêu đất nước, quê hương mình, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, vùng miền, dân tộc... Tất cả, để thêm một lần thắp sáng biểu tượng về sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong triệu triệu trái tim người Việt chung giống nòi. Đây chỉ là một trong rất nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhân dịp lễ trọng của đất nước, thể hiện tinh thần gắn kết dân tộc, mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt được thổi bùng lên trong những ngày đại lễ.
Đặc biệt, ngày 27/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” với rất nhiều thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng, thuyết phục về “nước Việt Nam là một”, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về chính sách hòa hợp dân tộc. Tổng Bí thư khẳng định: “thời gian, lòng nhân ái, đức vị tha đã giúp dân tộc ta từng bước vượt qua nỗi đau, chữa lành vết thương, gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt hướng tới tương lai. Sau 50 năm đất nước thống nhất, chúng ta đã có đủ bản lĩnh, đủ niềm tin, sự tự hào và đủ bao dung để vượt qua đau thương cùng nhau nhìn về phía trước - để cuộc chiến tranh đã qua không còn là hố ngăn cách giữa những người con cùng một dòng máu Lạc Hồng. Trên hành trình phát triển ấy, chính sách hòa hợp dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước xác định là lựa chọn chiến lược lâu dài, là trụ cột trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm ngay lập tức được đông đảo cán bộ, đảng viên, người dân chia sẻ, đồng tình, thống nhất cao. Không chỉ thế, báo chí nước ngoài cũng đưa tin sâu đậm về bài viết này. Hãng Thông tấn xã Mỹ Latinh Prensa Latina trích đăng bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó nhấn mạnh chính sách hòa hợp dân tộc là “lựa chọn chiến lược lâu dài, là trụ cột trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Prensa Latina nhận định, thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm - “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” - không chỉ là chân lý bất diệt mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của cả dân tộc, tiếp tục dẫn dắt đất nước trên con đường phát triển và hội nhập.



2. Tôi đã may mắn được đặt chân đến cả 5 châu, ở đâu cũng may mắn được gặp những bạn bè quốc tế, những bà con Việt kiều yêu nước. Như ở châu Phi (Angola và Mozambique), khi tôi giới thiệu mình là người Việt Nam, người dân nào mà tôi gặp gỡ cũng ồ lên thích thú và tự hào nhắc đến Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Biểu tượng Việt Nam chiến thắng thực dân, đế quốc hùng mạnh hàng đầu thế giới đã cổ vũ, truyền cảm hứng cho người dân tại nhiều quốc gia thuộc địa và các phong trào cách mạng trên thế giới trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do. Ở một số nước châu Âu, châu Á, châu Đại Dương hay châu Mỹ, người dân nước sở tại đều thừa nhận về một Việt Nam phát triển. Còn những Việt kiều mà chúng tôi may mắn được tiếp xúc đều không giấu niềm tự hào xúc động trước sự phát triển, tiến bộ của đất nước mình. Không ít kiều bào khi về Việt Nam, được ra thăm quần đảo Trường Sa vô cùng ngỡ ngàng trước sự phát triển, đổi thay nhanh chóng của đất nước, và sự vững chãi, kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió của hải quân nhân dân Việt Nam... Tất nhiên, đây đó, kể cả những học giả nước ngoài, vì nhiều lý do vẫn có cái nhìn lạc hậu, phiến diện, hằn học, thù hận về đất nước, con người Việt Nam, về tinh thần đoàn kết dân tộc của người dân Việt Nam. Song đó chỉ là thiểu số, và những ý kiến này đều trở nên lạc lõng trước thực tế phát triển ấn tượng của đất nước.
Tháng 9/2024, trong chuyến đi công tác Singapore tôi có gặp và trò chuyện với PGS, TS. Vũ Minh Khương – Giảng viên người Việt Nam tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore). Ông cho rằng, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Việt Nam lựa chọn đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế rất phù hợp, nhờ đó mà biến thù thành bạn, biến những hiềm khích thành sự chân thành... Đó là một dân tộc hòa hiếu. Hòa hiếu để kết bạn, để tạo ra và nâng cấp giá trị mới. Đây là điểm sáng, sự đặc sắc của Việt Nam. Điểm sáng, sự đặc sắc ấy được xây dựng trên nền tảng quan trọng, quyết định là lòng người, là sự chung sức đồng lòng của cả dân tộc. “Việt Nam ta có sức mạnh vô tận, đó là lòng người. Khi mọi người đồng lòng, cùng chí hướng thì sức mạnh đó cộng hưởng thành một thứ sức mạnh vô song, như đã thể hiện trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Sự gắn kết đó, đồng lòng đó cần được khơi lên, phát huy trong thời đại này, làm sao mỗi người Việt Nam đều tự hào, đều dồn sức cho phát triển đất nước. Muốn đất nước vượt lên, tiến lên một bậc, một nấc thang mới cũng cần phải nâng cấp “kho báu lòng người” lên một nấc thang mới”, PGS, TS. Vũ Minh Khương nói. Cùng chung quan điểm này, GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) chia sẻ rằng: “Khi nói đến việc thực hiện mục tiêu tầm cỡ quốc gia thì đòi hỏi tất cả các thành phần trong quốc gia đó phải là một khối đồng sức, đồng lòng”. Trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng 30-4, thống nhất đất nước, TS. Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng việc phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc không chỉ giúp tạo ra một xã hội ổn định, phát triển kinh tế và bảo vệ văn hóa, mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an ninh quốc gia. Đây chính là nền tảng vững chắc để quốc gia tiếp tục phát triển bền vững và đạt được những thành tựu to lớn trong tương lai.



3. Trong không khí hân hoan, háo hức chờ đón sự kiện 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, rất nhiều người con đất Việt đều bày tỏ niềm tự hào, kiêu hãnh về đất nước mình, dân tộc mình, đặc biệt khi chúng ta đang khởi những bước vững chắc trong những cuộc cách mạng mới của kỷ nguyên dân tộc vươn mình. Những kết quả bước đầu của cuộc cách mạng tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, tiêu biểu là việc sáp nhập bộ, ngành, tỉnh, thành phố, bỏ cấp huyện, sắp xếp các xã; là sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; là cuộc cách mạng khơi thông điểm nghẽn, nhất là điểm nghẽn thể chế; là đột phá phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Điều rất quan trọng là đại đa số nhân dân rất đồng tình hưởng ứng, trông chờ, kỳ vọng mãnh liệt vào cuộc cách mạng đột phá thể chế, tinh gọn tổ chức - bộ máy, điều chỉnh địa giới hành chính địa phương theo mô hình 2 cấp; chủ động ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ... Khi nhân dân đồng tình, cả nước chung sức, đồng lòng vì mục tiêu chung của quốc gia, tinh thần đoàn kết dân tộc được thổi bùng lên, những khó khăn, những công việc chưa có tiền lệ chắc chắn sẽ được hóa giải nhanh chóng.
Có thể khẳng định rằng, chiến thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là một sự kiện trọng đại, phần này thể hiện rõ ràng sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc. Tròn nửa thế kỷ sau ngày đất nước trọn niềm vui toàn thắng, hiện nay chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một kỷ nguyên phồn thịnh, rạng ngời. Và chắc chắn, sự đồng lòng, chung sức, sự gắn kết thành một khối của cả dân tộc Việt Nam sẽ được khơi dậy, phát huy, giúp đất nước vượt qua mọi thách thức, khó khăn, những sóng to gió lớn, bão táp phong ba để đạt được những thành tựu to lớn. Đó chính là bằng chứng thuyết phục, để thêm một lần nữa phản bác mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch hằn học với ngày chiến thắng, ngày giải phóng, ngày thống nhất đất nước. Đồng thời khẳng định thuyết phục rằng cộng đồng người Việt Nam trân trọng giá trị của chiến thắng, hướng về cội nguồn, tự hào lịch sử dân tộc. Đó là mạch nguồn chảy mãi, tiếp nối, bồi đắp qua các thế hệ người Việt yêu nước./.




