

Theo dòng lịch sử, tháng 5 năm Giáp Tý, triều vua Gia Long thứ 3 (1804) đã quyết định rời trấn thành Thanh Hóa, lỵ sở Thanh Hóa cũ ở Dương Xá (nay là phường Thiệu Dương) về Thọ Hạc (nay là phường Đông Thọ) làm trấn lỵ Thanh Hóa, chính thức mở đầu cho sự phát triển của một tỉnh lỵ Thanh Hóa. Từ đó, Hạc Thành trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của trấn thành Thanh Hoa và là một trong 29 doanh trấn của nước ta thời đó.
Như vậy, qua hàng ngàn năm lịch sử với 6 lần chuyển dời và 5 địa điểm được chọn làm trung tâm tỉnh lỵ, việc chọn Thọ Hạc làm trung tâm của tỉnh là quyết định đúng đắn bởi nơi đây là đầu mối giao thông vô cùng thuận lợi, vừa nằm ngay trên trục đường bộ nối liền 2 miền Nam - Bắc và trục Đông Tây của tỉnh, vừa nằm ở hữu ngạn sông Mã với mạng lưới đường thủy thuận lợi cho việc giao lưu với các vùng lân cận. Có thể nói, vị trí đặt trấn thành rất đắc địa, sơn thủy hữu tình, đúng như câu ca đương thời: “Thanh Hoa thắng địa là đây/ Rồng vờn hạt ngọc, hạc bơi chân thành”.
Năm 1831, vua Minh Mạng lấy riêng một trấn Thanh Hóa đặt làm tỉnh Thanh Hoa, năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) đổi lại thành tỉnh Thanh Hóa, tên tỉnh Thanh Hóa ra đời từ đó và tồn tại đến nay. Như vậy, từ thời Minh Mạng, tên gọi “trấn thành” của trấn Thanh Hóa chuyển sang tên gọi “tỉnh thành” của tỉnh Thanh Hóa. Nhưng việc đổi tên gọi đó không làm mất đi chức năng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự của tỉnh lỵ Thanh Hóa đối với xứ Thanh. Đến năm 1889, vua Thành Thái ký đạo dụ thành lập thị xã Thanh Hóa. Năm 1929, Toàn quyền Đông Dương nâng cấp lên TP Thanh Hóa. Cách mạng tháng Tám thành công, TP Thanh Hóa trở thành thị xã cho phù hợp với tình hình chung lúc bấy giờ.
Thành Hạc xưa - TP Thanh Hóa ngày nay là nơi sinh ra và nuôi dưỡng cho đất nước, non sông nhiều bậc anh hùng hào kiệt thời kỳ chống phong kiến phương Bắc đô hộ, thời kỳ giành quyền độc lập của các triều đại phong kiến Việt Nam, đặc biệt là trong thời đại Hồ Chí Minh. Truyền thống yêu nước và đấu tranh của Nhân dân thành phố trở thành một tài sản vô cùng quý giá, là cơ sở, là nền tảng để xây dựng thành phố phát triển ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.





Với mạch nguồn giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống được kết tinh qua thời gian và lưu giữ đến hôm nay, TP Thanh Hóa đang có trong mình “trụ đỡ” tinh thần quan trọng, nguồn lực nội sinh mạnh mẽ để phát triển. Để nâng tầm vị thế trung tâm tỉnh lỵ của một tỉnh lớn, ngày 14/8/1993, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ra Quyết định số 214-BXD/ĐT công nhận thị xã Thanh Hóa là đô thị loại III. Tiếp đó, ngày 1/5/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 37/CP nâng cấp thị xã Thanh Hóa lên TP Thanh Hóa với 12 phường, xã. Đến ngày 29/4/2004, TP Thanh Hóa được công nhận là đô thị loại II. Sau nhiều lần điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính, ngày 29/4/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 636/QĐ-TTg công nhận TP Thanh Hóa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Bắt đầu từ dấu mốc quan trọng năm 1994 khi công bố thị xã Thanh Hóa lên TP Thanh Hóa, tròn 3 thập kỷ chuyển mình, thành phố đã rất nỗ lực để từ đô thị loại III trở thành đô thị loại I; từ vị thế của một đô thị tỉnh lỵ chủ yếu đóng vai trò kết nối trong tỉnh, trở thành một thành phố năng động và hiện đại, có vai trò, vị trí quan trọng trong sự kết nối, phát triển vùng Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng Bắc bộ, cửa ngõ quan trọng ra phía Bắc và sang Lào.
Để thành phố bước nhanh, bước mạnh sang một chương mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định lộ trình chiến lược “Đến năm 2025, TP Thanh Hóa nằm trong nhóm đô thị loại I trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước; đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”. Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng xác định “TP Thanh Hóa là 1 trong 3 cực tăng trưởng của vùng đồng bằng và trung du (vùng đóng vai trò trung tâm) của tỉnh; là trọng điểm tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, ngày 25/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đặc biệt, Nghị quyết số 303/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về “Thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Thanh Hóa” được ví như “cú huých” tạo động lực mới cho kinh tế - xã hội thành phố phát triển. Tiếp thêm xung lực để hiện thực hóa mục tiêu đưa TP Thanh Hóa trở thành “Thành phố hội tụ, kết nối phát triển”, ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, mở ra tầm nhìn mới, tạo thế và lực mới cho sự phát triển của thành phố trong tương lai.




Để trở thành một “đầu tàu” đưa Thanh Hóa thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, những năm qua, TP Thanh Hóa đã tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, thành phố đã nắm bắt cơ hội, vận dụng hiệu quả, linh hoạt những cơ chế, chính sách và ưu tiên các nguồn lực để kiến tạo “bộ khung” hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, tạo ra những đột phá mới thúc đẩy đô thị tỉnh lỵ phát triển. Đây cũng là điểm nhấn nổi bật sau 10 năm trở thành đô thị loại I. Hiện nay, các khu dân cư lụp xụp với hạ tầng thấp kém, các vùng ven đô đã trở thành khu dân cư mới đồng bộ, hiện đại, tạo điểm nhấn về kiến trúc đô thị cho thành phố. Tọa lạc ở vị trí đắc địa, Khu đô thị - thương mại Vincom Plaza Thanh Hóa là một trong những trung tâm thương mại sầm uất, đẳng cấp nhất xứ Thanh. Khu Vinhomes Star City là một trong những dự án hiếm hoi hội tụ cả 3 yếu tố “cận lộ - cận giang - cận thị”, trở thành nơi ở lý tưởng cho nhiều cư dân đô thị. Khu đô thị Đông Hải được xây dựng với lối kiến trúc hiện đại, cùng không gian sống xanh, thân thiện với môi trường tạo nên hình ảnh ấn tượng về TP Thanh Hóa đang phát triển năng động và hiện đại... Hiện nay, thành phố đang tiếp tục thực hiện đầu tư các khu đô thị mới và nhiều dự án lớn để thu hút thêm nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với thành phố.
Cùng với cả tỉnh, TP Thanh Hóa sắp đi qua một nhiệm kỳ với thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Song, với tinh thần đồng sức, đồng lòng, đồng cam cộng khổ, thành phố đã vượt lên thách thức để gặt hái những thành quả rất đáng trân trọng. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng của thành phố như thu ngân sách, huy động vốn đầu tư phát triển, xuất khẩu hàng hóa, tổng mức bán lẻ hàng hóa, thành lập doanh nghiệp mới... đã đóng góp lớn vào sự phát triển chung của tỉnh. Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả; kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường.




Nổi lên trong bức tranh chung ấy, năm 2024 thành phố đạt được kết quả tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Minh chứng rõ nét nhất là tổng giá trị sản xuất của thành phố đạt 81.220 tỷ đồng, đứng thứ 2 toàn tỉnh (sau thị xã Nghi Sơn) và chiếm tỷ trọng 18,4%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 10,25%, xếp thứ 4 toàn tỉnh và tăng 2 bậc so với năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ đạt 49.117 tỷ đồng, xếp thứ nhất cả tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 91,17 triệu đồng, tăng 21,17 triệu đồng so với năm 2020. Thu ngân sách Nhà nước đạt được con số rất phấn khởi là 4.158,8 tỷ đồng, đạt 141% dự toán tỉnh và đạt 118% dự toán thành phố giao. Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 27.973 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,08% vốn đầu tư cả tỉnh. Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô, cơ cấu ngành nghề hoạt động. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ tiếp tục khẳng định ưu thế vượt trội và trở thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Năm 2024, các hoạt động du lịch gắn liền với các lễ hội, các sự kiện văn hóa do tỉnh và thành phố tổ chức. Nhờ đó, thành phố đón được 2,56 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 4.800 tỷ đồng.
Kinh tế tăng trưởng tạo tiền đề vững chắc để các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ. Giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao nhiều năm xếp ở tốp đầu toàn tỉnh. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được chú trọng. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,03%, vượt chỉ tiêu tỉnh và thành phố giao.
Đặc biệt, mang những giá trị văn hóa truyền thống bồi đắp từ nhiều thế hệ làm động lực, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thành phố đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu văn hóa của vùng đất Hạc Thành. Từ 10 năm trước, thành phố luôn kiên trì mục tiêu “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”. Đến Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thành phố tiếp tục lựa chọn “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”, trọng tâm là thực hiện tốt cuộc vận động “Người dân TP Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện” là 1 trong 3 chương trình trọng tâm nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong văn hóa ứng xử và lan tỏa những giá trị nhân văn, những hình ảnh tốt đẹp về người dân thành phố thân thiện, văn minh, nghĩa tình, nhân ái.



Ngày 5/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 795/QĐ-TTg công nhận đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I. Đây là bước cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và là cơ sở pháp lý quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1238/NQ-BTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2025. Theo Nghị quyết số 1238/NQ-BTVQH15 nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa. Sau sáp nhập, quy mô dân số là 615.106 người, đứng thứ 2/19 đô thị loại I của cả nước về quy mô dân số và đứng thứ 9/19 đô thị loại I cả nước về diện tích tự nhiên (228,22km2).
Việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa hướng đến mục tiêu xây dựng, phát triển TP Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung bộ và Nam Bắc bộ; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Thanh; xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc; phấn đấu đến năm 2030 là một trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2045 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, thu nhập cao.
Đáp lại sự kỳ vọng của Trung ương, của tỉnh dành cho mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đang vươn mình mạnh mẽ, sau khi sáp nhập, TP Thanh Hóa sẽ phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển nhanh và bền vững. Trước mắt, thành phố nhanh chóng ổn định bộ máy, vận hành hiệu quả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, đảm bảo hoạt động thông suốt; giữ gìn, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc và Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030.




Để thể hiện rõ vai trò “đầu tàu” kết nối, trung tâm động lực phát triển mọi lĩnh vực của tỉnh, trên cơ sở Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố sẽ tập trung cho công tác quy hoạch mở rộng thành phố, kết nối với các vùng phụ cận và các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh. Đẩy nhanh việc xây dựng các quy hoạch phân khu chức năng, các quy hoạch chi tiết, ngành, lĩnh vực. Huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, bảo đảm kết nối thuận lợi giữa các khu đô thị, giữa TP Thanh Hóa với vùng phụ cận, với các trục, tuyến giao thông quốc gia.
Đi cùng với hạ tầng, thành phố tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, phát huy tối đa năng lực sản xuất của các ngành, lĩnh vực và các thành phần kinh tế. Cùng với việc tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp trên, TP Thanh Hóa sẽ tăng cường hợp tác với các ban, sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các đô thị lớn trong vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, Hiệp hội các đô thị Việt Nam để tăng tốc, bứt phá vươn lên.
Với bề dày lịch sử 220 năm đô thị tỉnh lỵ, 30 năm thành lập thành phố và 10 năm đô thị loại I, cùng sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, TP Thanh Hóa đang bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Nhiệm vụ có thể khó khăn hơn, thách thức lớn hơn, nhưng với tâm thế mới và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thành phố sẽ đoàn kết, phấn đấu xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc và trong tương lai sẽ trở thành một thành phố “đáng sống”.





Đồng chí Lê Anh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa
Ảnh: Minh Hiếu - Tố Phương
Đồ họa: Mai Huyền