Còn nhớ, trung tuần tháng 8-2020, Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp. Với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, mỗi người làm báo Thanh Hóa luôn thôi thúc trong mình khát vọng xây dựng, lan tỏa thương hiệu, hình ảnh của tỉnh Thanh Hóa với khát vọng vươn lên thông qua hoạt động nghiệp vụ của mình. Mỗi một cơ quan báo chí, mỗi người làm báo không ngừng đổi mới tư duy, trau dồi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ để thích ứng với kỷ nguyên số.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ hoạt động, điểm đổi mới nổi bật của Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa đó là tăng cường công tác tập huấn các giải pháp nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và đạo đức của người làm báo trong bối cảnh hiện nay, như: kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, phương pháp làm báo dữ liệu, kỹ năng làm báo điều tra, kỹ năng viết bài về xây dựng Đảng, các kỹ năng làm báo bằng thiết bị di động...

Cán bộ, PV báo Thanh Hóa tham dự lớp bồi dưỡng kỹ năng sản xuất video trên thiết bị di động.

Cán bộ, PV báo Thanh Hóa tham dự lớp bồi dưỡng kỹ năng sản xuất video trên thiết bị di động.

Đây thực sự là những kỹ năng hữu ích với bất kỳ nhà báo nào trên hành trình trở thành nhà báo số trong kỷ nguyên số. Do vậy đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đến từ các cơ quan báo chí trong tỉnh. Số lượng học viên tham gia mỗi lớp lên tới 50 - 60 người, mỗi năm có tới 4 đến 5 lớp tập huấn theo các nội dung cho các vị trí trong tòa soạn. Tất cả đã tạo nên một không khí cùng nhau học tập, nhìn nhau học tập trong đội ngũ những người làm báo đang công tác ở Thanh Hóa.

Đoàn kết để phát triển, đổi mới để phát triển, tinh thần ấy thể hiện rất rõ qua sự chuyển mình từ hai cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh là Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa và lan tỏa đến cả phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, với quan điểm tất cả vì một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn, các cơ quan báo chí ở Thanh Hóa đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản trị tòa soạn, xây dựng nội dung, thiết lập nền kinh tế báo chí theo đơn đặt hàng với tỉnh, đa dạng hóa các nguồn thu, tập trung ưu tiên các hoạt động kinh tế số.

Bởi lẽ, hơn ai hết, các đơn vị báo chí trong tỉnh đều hiểu rằng: Sự khẳng định thương hiệu vượt trội của đơn vị mình trong cuộc đua chuyển đổi số là bước đi tất yếu và sống còn trong bối cảnh báo chí hiện gặp nhiều khó khăn do sụt giảm nguồn thu từ quảng cáo, bán báo, từ ngân sách Nhà nước; thói quen đọc, xem, nghe của bạn đọc thay đổi; phương thức làm báo truyền thống không còn thu hút độc giả như trước đây cùng với sự cạnh tranh gay gắt của truyền thông xã hội. Ngoài ra, các giải pháp, hạ tầng phân phối nội dung và quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới cũng tác động mạnh mẽ đến báo chí truyền thống.

Một không khí đổi mới hiện hữu rất rõ trong các ấn phẩm, chương trình của các cơ quan báo chí Thanh Hóa. Báo Thanh Hóa đã ứng dụng nhiều công nghệ số để thực hiện các bài viết chuyên sâu dưới dạng E-Magazine hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đọc báo. Đặc biệt, các phóng viên, biên tập viên của Báo Thanh Hóa đã nhanh nhạy khi lồng ghép được các yếu tố đa phương tiện, yếu tố thị giác và dữ liệu vào các bài E-Magazine. Từ đó tạo nên những sản phẩm báo chí dày dặn, có chiều sâu thông tin, đồng thời tăng cường trải nghiệm cho bạn đọc.

Ở Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, giờ đây, công chúng không chỉ được tiếp cận các chương trình của đài ở hạ tầng truyền thống mà còn có thể xem, nghe các chương trình qua hạ tầng số, ứng dụng OTT, web. Đặc biệt, với sự phát triển đồng thời của các hạ tầng mạng xã hội quen thuộc trên thị trường Việt Nam, lấy website là hạ tầng cốt lõi, trục thông tin của Phát thanh – Truyền hình Thanh Hóa đã tỏa đi, phân phối trên các kênh: youtube, zalo, fanpage, tiktok với các chỉ số tăng trưởng ấn tượng. Với quan điểm, thiết lập hệ thống tòa soạn hội tụ qua hội đồng tin tức, đưa nội dung lan tỏa trên nhiều hạ tầng số, trung bình mỗi tháng, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa có khoảng 1,4 triệu người xem trên kênh youtube và khoảng 3 triệu người tiếp cận thông tin qua trang fanpage; hàng nghìn người quan tâm kênh zalo, kênh tiktok, qua 6 tháng tăng trưởng đạt gần 170.000 đăng ký theo dõi, 9 clip triệu views, clip nhiều nhất đạt gần 15 triệu lượt xem.

Trong không khí đổi mới đó, phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Nói như nhà báo Lê Hoàng, thường trú báo Điện tử Tin nhanh Việt Nam VnExpress tại Thanh Hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội và thách thức với người làm báo; sự phát triển của mạng xã hội cũng chính là cơ hội để các nhà báo khẳng định giá trị, vị trí của mình bằng việc đưa ra những bài viết phản biện với kiến giải trung thực, chính xác và sâu sắc kịp thời. Đây là cơ hội tốt để các tác phẩm báo chí chính thống được độc giả tin cậy tìm đến.

Trước thềm Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, rất nhiều tâm tư của những người làm báo trong cả nước đều băn khoăn, trăn trở trước vấn đề đạo đức người làm báo trong bối cảnh mới. Nhận thức sâu sắc điều này, Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa trong quá trình hoạt động đã luôn chú trọng đến việc đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, tiên phong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí. Triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hội cũng đặc biệt chú trọng việc bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp của hội viên, quyền lợi chính đáng của hội viên nhà báo, nêu cao đạo đức nghề nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, khích lệ tinh thần cống hiến của người làm báo cách mạng, góp phần khắc phục các vi phạm, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động báo chí; thực hiện tốt Đề án sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, tổ chức tốt Giải Báo chí quốc gia và các giải báo chí toàn quốc chuyên ngành.

Nhận thức rõ chuyển đổi số là câu chuyện chưa có tiền lệ, vì vậy tầm nhìn phải thay thế kinh nghiệm. Các cơ quan báo chí trong tỉnh đang đứng trước một cơ hội lớn chưa từng có, quả ngọt sẽ tiếp tục đến với những ai dám dấn thân, bắt tay xây dựng một nền văn hóa số, tư duy số, hành động số từ mỗi người trong đơn vị. Thuận lợi đầu tiên có thể thấy, cuộc chơi sẽ thuộc về ai khi biết đầu tư bài bản về dữ liệu lớn (Big data), lấy độc giả, khán thính giả làm trung tâm để có chiến lược đầu tư về nội dung, công nghệ, quy trình sản xuất. Đây cũng là thời kỳ các cơ quan báo chí thậm chí phải biết cách làm thương hiệu, Branding, tạo ra những sản phẩm kinh doanh trên môi trường số.

Trong những ngày tháng 5, Thanh Hóa vinh dự được Hội Nhà báo Việt Nam lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thêm một lần nữa, những người làm báo trong tỉnh được người đứng đầu Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân truyền đi thông điệp: Nền báo chí thế giới đang có những thay đổi toàn diện về cách thức làm báo trong kỷ nguyên công nghệ số. Chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí ở nước ta cũng đang diễn ra sôi động. Hội Nhà báo Việt Nam với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo càng cần có sự đổi mới trong hoạt động công tác hội và các hoạt động cốt lõi khác, để thực sự song hành, đoàn kết và phát triển cùng nền báo chí hiện đại.

Thời gian tới, Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động theo hướng sáng tạo, phát huy vai trò tập hợp, gắn kết hội viên để mái nhà chung của những người làm báo trong tỉnh giàu sức sống hơn, phấn đấu để hội nhà báo thực sự là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo trong tỉnh, là “ngôi nhà chung, ấm áp” của hội viên Hội Nhà báo Thanh Hóa.

Item 1 of 3

Nội dung: Nhà báo Phạm Báu - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa; Giám đốc Đài PT-TH Thanh Hóa.

Trình bày: Mai Huyền

Xuất bản: 21/6/2022