Để khai thác hết tiềm năng của tỉnh, phát triển phù hợp với các quy định pháp luật cũng như các nghị quyết đã ban hành, đặt ra yêu cầu công tác quy hoạch phải dài hơi và đi trước một bước. Chính vì thế tỉnh Thanh Hóa đã chủ động lập quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năn 2045 trình Trung ương phê duyệt. Đây có thể nói là một bước chuyển rất quan trọng trong lộ trình phát triển của tỉnh, khẳng định quyết tâm, thể hiện tầm nhìn khát vọng, hướng đến sự thịnh vượng và “kiểu mẫu”.

Quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển của tỉnh nói chung và được xác định như là một trong những động lực cho tăng trưởng. Trên thực tế, các quy hoạch trước đây của tỉnh đã giúp cho Thanh Hóa có diện mạo mới hơn, đô thị và công nghiệp phát triển mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Những lợi ích mà quy hoạch đem lại cho kinh tế - xã hội của tỉnh là rất rõ rệt.

Để tạo động lực tăng trưởng mới, phù hợp với các Nghị quyết của Trung ương và tỉnh đã đề ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, xa hơn là đến năm 2050, giúp cho tỉnh phát huy tốt nhất nội lực, tranh thủ, thu hút được tối đa các nguồn lực từ bên ngoài để khai thác hết tiềm năng cho phát triển, đặt ra yêu cầu công tác quy hoạch của tỉnh phải dài hơi và đi trước một bước; phải coi quy hoạch là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, biến quy hoạch trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội ở cả tầm cao và chiều sâu. Theo đó, quy hoạch phải đảm bảo được sự toàn diện, có tính dự báo cao, phù hợp với cả trước mắt và lâu dài, những vấn đề mới đặt ra trong tương lai.

Nhận thức được tầm quan trọng, vị trí, vai trò của Quy hoạch tỉnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ, Thanh Hóa đã tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tích hợp đầy đủ phương án phát triển của từng ngành, lĩnh vực vào quy hoạch. Tỉnh Thanh Hóa cũng lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh lân cận và trong khu vực và các tỉnh, thành phố là cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh Thanh Hóa luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành ở Trung ương có liên quan. Đến nay, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/CP của Chính phủ, nhiệm vụ lập quy hoạch đã phê duyệt và phù hợp với định hướng phát triển tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII).

Một đoạn đường Phan Chu Trinh (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa).

Một đoạn đường Phan Chu Trinh (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa).

Cầu Hoàng Long và Cầu Hàm Rồng (cây cầu nổi danh với những chứng tích lịch sử anh hùng).

Cầu Hoàng Long và Cầu Hàm Rồng (cây cầu nổi danh với những chứng tích lịch sử anh hùng).

Cầu Nguyệt Viên, cửa ngõ phía Bắc thành phố Thanh Hóa.

Cầu Nguyệt Viên, cửa ngõ phía Bắc thành phố Thanh Hóa.

Công viên Hàm Rồng.

Công viên Hàm Rồng.

Nằm ở cực bắc khu vực Bắc Trung Bộ, có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Thanh Hoá có diện tích đứng thứ năm cả nước với hơn 11.000 km2, dân số đứng thứ 3 cả nước với gần 3,7 triệu người. Thanh Hóa cũng có hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, gồm cả đường bộ, đường sông, đường sắt, đường biển và đường hàng không, thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa với khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, duyên hải Miền Trung, miền núi phía bắc, Đông Bắc Lào và Vịnh Bắc Bộ.

Thanh Hóa cũng là địa phương có truyền thống, bề dày lịch sử, văn hóa và cách mạng hào hùng. Cùng với Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, Thanh Hoá còn có 5 di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Đền thờ Lê Hoàn, Đền Bà Triệu, Hang Con Moong, Danh thắng Sầm Sơn và 139 di tích được xếp hạng cấp quốc gia khác. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có Vườn Quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, suối cá Cẩm Lương... là điểm đến du lịch lý tưởng đối với du khách.Thanh Hóa còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với hơn 652.000 ha rừng và đất rừng, hơn 243.000 ha đất nông nghiệp, gần 14.000 ha đất nuôi trồng thuỷ sản, là nguồn cung cấp nhiều sản phẩm nông, lâm nghiệp cho các tỉnh và xuất khẩu. Ngoài ra, còn có 28 loại khoáng sản; trong đó, có những loại khoáng sản tập trung, thuận lợi cho khai thác quy mô lớn.

Với 102 km bờ biển, 17.000 km2 vùng lãnh hải với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, dọc bờ biển có 5 cửa lạch lớn, nhiều tiềm năng để phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, khai thác, nuôi trồng thủy sản, phát triển năng lượng tái tạo và du lịch biển, trong đó có Khu kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, có Cảng nước sâu Nghi Sơn, Thanh Hóa đang tạo ra sự khác biệt và ngày càng tăng tính hấp dẫn qua hệ thống hạ tầng biển và ven biển được đầu tư. Những lợi thế này đang tạo ra sức hút đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực phát triển vận tải biển và logistics.

Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt kết quả tích cực, bình quân đạt 9,4%/năm; quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 189.149 tỷ đồng, gấp 4,2 lần năm 2010 và đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.220 USD, gấp 3,16 lần năm 2010. Năm 2020, Thanh Hóa có 2,34 triệu lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; năng suất lao động đạt 94 triệu đồng/lao động, gấp 4,0 lần năm 2010.Thu ngân sách Nhà nước đạt 147.080 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm xấp xỉ 18%, riêng năm 2020 đạt gần 31.420 tỷ đồng, gấp 5,9 lần năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 11 cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,76 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với mục tiêu đề ra. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2020 đạt gần 940.000 tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có huy động vốn đầu tư cao nhất của cả nước.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa được xây dựng với quan điểm phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng. Đặc biệt là phát huy được vị trí, tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ cao; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài; tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. Bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu.Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Mở rộng các quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.      

Mục tiêu mà quy hoạch đặt ra là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 6 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 5 vùng liên huyện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội để trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước. Đến năm 2045, Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Item 1 of 3

Trên cơ sở kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, dự kiến tiến độ triển khai các dự án lớn, Thanh Hóa đề xuất 3 phương án phát triển cho từng giai đoạn như sau: Giai đoạn 2021-2025 đề ra 3 phương án phát triển. Trong đó phương án 1: Phát triển trong điều kiện rất thuận lợi, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế phát triển, tính phấn đấu rất cao Theo đó: GRDP/người: 4.450 USD. Phương án 2: Phương án phát triển trong điều kiện thuận lợi, phát huy được các tiềm năng, lợi thế, tính phấn đấu khá cao. Theo đó: GRDP/người: 4.200 USD. Phương án 3: Phương án phát triển trong điều kiện bình thường, tính phấn đấu không cao. Theo đó: GRDP/người: 3.950 USD. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những yếu tố thuận lợi, khó khăn và triển vọng phát triển, Thanh Hóa lựa chọn phương án 2. Đây là phương án có mức tăng trưởng khá cao, bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 11%.

Giai đoạn 2026-2030 trên cơ sở lựa chọn phương án tăng trưởng giai đoạn 2021-2025, dự kiến các phương án tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 như sau: Phương án 1: GRDP/người là 8.100 USD; Phương án 2: GRDP/người là 7.850 USD và  Phương án 3 là GRDP/người: 7.500 USD. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường; đồng thời tạo thế, lực cho tỉnh phát triển đến năm 2045, Thanh Hóa lựa chọn phương án 2. Theo đó, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 7.850 USD, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Quy hoạch đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tập trung nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các trục giao thông đối ngoại, Cảng hàng không Thọ Xuân, Cảng Nghi Sơn. Phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi; đến năm 2030, đưa Thanh Hóa thành trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics của cả nước.

Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; trọng tâm là thực hiện tích tụ và tập trung ruộng đất, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu cây trồng. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương cho vùng khu vực miền núi phía Tây của tỉnh; tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị các hệ sinh thái rừng, bảo vệ vốn rừng, xã hội hoá nghề rừng. Nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ giáo dục, văn hóa, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hệ thống các bệnh viện và trường học có chất lượng cao.. Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng các đô thị, hoàn thành sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa trước năm 2025; đến năm 2030, xây dựng thị xã Nghi Sơn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Để thực hiện các nhiệm vụ, Quy hoạch đặt ra 3 đột phá chiến lược gồm: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng và minh bạch. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, ứng phó biến đổi khí hậu và hạ tầng chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tập trung xây dựng 4 trung tâm kinh tế động lực là: Trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn): Trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, dịch vụ logistics gắn với cảng biển Nghi Sơn. Trung tâm động lực thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn: Chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, du lịch biển, du lịch văn hóa; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng): Ưu tiên phát triển nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hàng không; phát triển du lịch di sản gắn với Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Lê Hoàn… Trung tâm động lực phía Bắc (Bỉm Sơn - Thạch Thành): Tập trung thu hút đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, máy nông nghiệp, chế biến nông lâm sản, may mặc, giầy da; du lịch sinh thái, tâm linh.

Cùng với đó xây dựng 6 trụ cột phát triển gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Du lịch; Y tế; Phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực. Tập trung xây dựng 6 hành lang kinh tế là: Hành lang kinh tế ven biển. Hành lang kinh tế Bắc –Nam. Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh. Hành lang kinh tế Đông Bắc. Hành lang kinh tế trung tâm kết nối thành phố Sầm Sơn - thành phố Thanh Hóa - huyện Thọ Xuân. Hành lang kinh tế quốc tế kết nối Cảng biển Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước bạn Lào. Xây dựng 5 vùng liên huyện gồm: Vùng thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, các huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa - Sầm Sơn là trung tâm của tỉnh). Vùng các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Yên Định, Thiệu Hóa, Thường Xuân (Thọ Xuân là trung tâm của vùng). Vùng thị xã Bỉm Sơn và các huyện Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, Thạch Thành, Vĩnh Lộc (Bỉm Sơn - Hà Trung là trung tâm của vùng). Vùng thị xã Nghi Sơn, các huyện Như Thanh, Như Xuân, Nông Cống (Nghi Sơn là trung tâm của vùng). Vùng các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát (Ngọc Lặc là trung tâm của vùng).

Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã nêu rõ quan điểm phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045. Mục tiêu của tỉnh là từng bước nỗ lực phấn đấu để trở thành một tỉnh thịnh vượng, có tính “kiểu mẫu”. Để hiện thực các mục tiêu ấy, ngay từ bây giờ tỉnh Thanh Hóa cần phải có một quy hoạch “đẹp” được phê duyệt để triển khai. Nói cách khác, quy hoạch xây dựng và hoàn thành phê duyệt cần được đặt đúng vị trí, vai trò và rõ mục đích. Khi đã được đặt đúng vai trò thì các cơ quan chức năng, tổ chức được phân công sẽ thực hiện quy hoạch dễ dàng, bằng tất cả trách nhiệm, để quy hoạch đạt hiệu quả tối đa.

Item 1 of 3

Nội dung: Việt Ba.

Trình bày: Mai Huyền.