Trước khi xuất hành, chúng tôi đã hỏi rất nhiều người về cung đường đi từ trung tâm xã Lũng Cao (Bá Thước) lên khu Cao Sơn (gồm 3 bản: Son, Bá, Mười) và đều nhận được câu trả lời: phải lái ngon mới có thể đi qua những đoạn cua tay áo. Và quả thật, đường lên khu Cao Sơn phải qua những vách đá dựng đứng có độ dốc cao. Chiếc xe ô tô của chúng tôi phải đổi số liên tục, nhưng cũng thật mãn nhãn khi nhìn thấy từng đám mây trắng bồng bềnh bay, sắc xanh thăm thẳm của màu trời. 

Vượt qua con đường gần 6km từ trung tâm xã Lũng Cao (Bá Thước), qua eo Pha Hé, với những cung đường khúc khuỷu, chúng tôi đã đến bản của đồng bào dân tộc Thái. Bản Son nhỏ nhắn hiện ra dưới nắng vàng đẹp rực rỡ với những ngôi nhà sàn nằm giữa thung lũng bao quanh là núi đồi.  

Chiều đến, những tia nắng cuối cùng còn rớt lại trên những thửa ruộng, vương vấn chút ấm áp cuối ngày. Chúng tôi đi bộ cùng nhau tham quan bản. Vài ba thửa ruộng trồng cải đã ra ngồng, ra hoa vẫn được bà con giữ lại để chờ đợi du khách đến thăm. Những cành hoa đào vẫn còn ửng hồng như chứng minh sức sống bền bỉ trước cái lạnh, cái gió của đất trời.

Bản Son cùng với bản Bá, bản Mười thuộc khu Cao Sơn với độ cao trên 1.000m, là vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nơi đây có hơn 80% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống.

Trưởng bản Ngân Văn Đức đón chúng tôi với gương mặt thật tươi: Đường đi tốt chứ các cô chú? Nếu chỉ cách đây dăm bảy năm, khi chưa xẻ núi mở đường lên Cao Sơn thì việc đi lại khó khăn lắm. Trước năm 2015, khu này không điện, không đường, không trường, không trạm, không hàng quán, không sóng điện thoại... Bà con có khi cả tháng mới một lần xuống trung tâm xã đi chợ, vì đến chợ phải mất khoảng 4 tiếng đồng hồ đi bộ. Vài ba năm nay, đặc biệt kể từ đầu năm 2021, khi điện về bản, bà con bắt đầu mới nghĩ tới việc phát triển kinh tế, làm du lịch.

Item 1 of 3

Nằm trong khu Cao Sơn, bản Son quanh năm ôn hòa, nhiệt độ trung bình từ 20 – 220C. Tuy nhiên, khoảng thời gian ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 này, nhiệt độ của bản thấp hơn nhiều. Nhìn chiếc nhiệt kế chỉ 4 độ C,  độ ẩm 88%, chúng tôi lại càng cảm nhận rõ cái lạnh giá nơi miền núi cao len qua từng kẽ tay. Mời chúng tôi lên nhà, anh Ngân Văn Tiên nhắc vợ thổi lửa lên. Ánh lửa, khói củi khiến căn nhà sàn ấm áp hơn.

Anh Tiên chính là hộ đầu tiên làm du lịch ở bản. Đó là khoảng năm 2006, khi bản chưa có điện, đường lên còn khó, cuộc sống người dân vất vả. Khách đến ở gia đình anh chỉ có khách Tây, họ đi bộ vác balo lên núi để khám phá cuộc sống hoang sơ của bà con. Chả thế mà trước đây người Pháp khi sang đây từng có ý định xây dựng Cao Sơn thành khu nghỉ mát. Quãng đường đi lại khó khăn thật, nhưng bất cứ du khách nào lên đến bản cũng ngỡ ngàng khi phóng tầm mắt nhìn không gian bát ngát. Những thửa ruộng bậc thang trong sương mù, những mái nhà sàn lúp xúp, những ô ruộng trồng rau xanh mướt mát... và hơn hết là sự thân thiện của con người. Gặp một vị khách đến bản, mọi người dân đều tươi cười như gặp lại người thân của mình. Họ hỏi han, bắt tay nhiệt tình.

Ngoài gia đình anh Tiên, trong bản còn có hộ ông Vi Văn Tân, Vi Văn Tròn cũng thường xuyên đón khách du lịch. Ông Vi Văn Tròn cho biết: Khách của bản không phải là những đoàn đông người, đi hàng loạt xe to như các bản khác. Thường là những nhóm bạn trẻ ưa thích khám phá sau khi tận hưởng không khí sôi động ở bản Đôn (xã Thành Lâm), phố Đoàn (xã Lũng Niêm) họ lên với chúng tôi để cảm nhận sự thay đổi về khí hậu, cuộc sống lặng lẽ của người dân bản cao.

Vài năm trở lại đây, anh Lê Thế Ngân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sữa Thanh Hóa đã lên đầu tư trồng rau sạch và làm du lịch ở bản Son. Cũng chính anh là người đã hỗ trợ bà con xây dựng mô hình nông nghiệp, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017. Đến nay, bà con đã canh tác được gần 3ha rau màu theo hướng hữu cơ, dự kiến sẽ mở rộng lên tới 10ha. Công ty CP sữa Thanh Hóa cũng đang triển khai hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm bằng việc xây dựng chuỗi cung ứng trực tiếp từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ.

Như những cây cải mọc trên hàng rào đá trong nhà, như cây đào nảy mầm bên sườn núi, những người dân bản Son chủ yếu tự cung tự cấp. Trước đây, hầu hết diện tích đất đều được bà con trồng lúa nương, nhưng dăm năm nay, họ đã chủ động thay đổi cây trồng. Những vườn cây mướp đắng, rau trái vụ được bà con chăm sóc kỹ càng. Đặc biệt thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp để trồng các loại cây lâu năm như cam, quýt.

Vừa nói, anh Tiên vừa mang ra rổ cam mới hái. Mùa thu hoạch cam ở đây bắt đầu từ tháng 9, kéo dài qua tháng 12. Giống cam được lấy từ vùng đất Cao Phong nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình. Đây là những quả cam còn sót lại. Cam này không ngọt lắm đâu, nhưng ăn lại thơm, ngon.

Hầu hết các hộ gia đình ở bản Son đang dần dần áp dụng mô hình này, nhà nào cũng có cả chục gốc cam, trong đó có 6 hộ trồng cam với diện tích lớn, khoảng vài trăm gốc là: Ngân Văn Thốt, Hà Văn Cường, Bùi Văn Doanh... Năm nay là năm mà các gia đình thu nhập từ cây cam khá lớn. Được mùa, 500 gốc cam của gia đình anh Ngân Văn Thốt cho thu nhập gần 150 triệu đồng/năm.

Với tuổi thọ trung bình 15 năm, cây cam, cây quýt chính là cây thế mạnh không chỉ ở bản Son mà cả khu Cao Sơn (gồm cả bản Bá, bản Mười). Đặc biệt, so với các địa phương khác, giống đào bản địa ở Cao Sơn có khả năng sẽ đem lại giá trị kinh tế, đồng thời là thế mạnh khai thác du lịch. Ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao cho biết: Đào ở Cao Sơn phát triển vượt bậc so với các giống đào khác. Nửa năm có thể cao 50 cm, một năm là ngang đầu người và chỉ 3 năm là đơm hoa kết trái. Hoa to, đẫm ánh hồng, và đặc biệt là hoa tươi rất lâu. Với tiềm năng của khu Cao Sơn, chúng tôi tuyên truyền vận động bà còn mạnh dạn đầu tư mô hình du lịch cộng đồng để thu hút khách du lịch theo đề án của tỉnh. Đồng thời, trong quá trình làm, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân hạn chế và không đưa bê tông, cốt thép vào xây dựng để giữ gìn cảnh quan nguyên sơ của bản.

Tuy vậy, cuộc sống của bà con bản Son vẫn còn nhiều vất vả lắm. Bài toán lấy ngắn nuôi dài, lấy dài nuôi ngắn đang được bà con áp dụng. Điều trưởng bản Ngân Văn Đức trăn trở nhất là dù có khí hậu mát mẻ phù hợp với nhiều loại cây trồng, nhưng do chưa tìm được đầu ra nên bà con vẫn còn làm cầm chừng, tự cung tự cấp là chính.

Mùa xuân trên bản mới bắt đầu, cái lạnh vẫn đang len lỏi vào trong mỗi căn nhà sàn. Rời bản Son, tôi tự nhủ liệu 5 năm nữa, vùng đất này có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn như Pù Luông không? Thực sự đó không chỉ là mong ước của tôi mà còn của nhiều người. Song tôi biết hành trình ấy còn dài lắm. Trong khu rừng bình yên và êm ả này, nàng công chúa sẽ còn ngủ dài nếu không có chàng hoàng tử nào đến đánh thức. Son Bá Mười cũng vậy, du lịch chỉ có thể phát triển khi có những nhà đầu tư tâm huyết và giàu tiềm năng.

Nội dung và ảnh: Kiều Huyền

Đồ họa: Hà Hiếu