Bộ chỉ số quốc gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được thực hiện từ việc đo lường trải nghiệm của người dân đối với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền. Từ năm 2011, Thanh Hóa chính thức tham gia vào bộ chỉ số PAPI, nhưng nhiều năm liên tục, vị trí xếp hạng của Thanh Hóa luôn nằm ở nhóm trung bình cao của cả nước. Ngoại trừ năm 2018, Thanh Hóa vươn lên xếp thứ 11 thì các năm còn lại, Thanh Hóa không cải thiện được điểm số mà còn có xu hướng giảm dần và thứ hạng luôn không ổn định, duy trì ở vị trí thứ 20 đến 28/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Nhiều chỉ số thành phần như quản trị điện tử, quản trị môi trường hay trách nhiệm giải trình với người dân... của Thanh Hóa nhiều năm nằm ở mức trung bình thấp; một số chỉ số thành phần giảm điểm nhiều năm liên tục mà chưa được khắc phục. Tính chung 10 năm từ 2011-2020, chỉ số PAPI của Thanh Hóa chỉ tăng 0,6 điểm, thuộc nhóm thấp của cả nước. Chính “bước hụt” này đã thôi thúc cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, đưa ra nhiều giải pháp thực thi thật sự hiệu quả để cải thiện mạnh mẽ vị trí xếp hạng của tỉnh trong “cuộc đua” cùng với cả nước.

PAPI là một kênh tin cậy để lắng nghe ý kiến chia sẻ, đo lường thông tin phản hồi từ người dân về hiệu quả và chất lượng điều hành của bộ máy nhà nước và cung cấp dịch vụ công của các cấp chính quyền trong hành trình cải cách, đổi mới. Do đó, Thanh Hóa xác định việc giải trình là thước đo sự hài lòng của người dân. Định kỳ hằng tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân để giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của Nhân dân; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng tiếp doanh nghiệp định kỳ mỗi tháng để nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách, TTHC, bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cũng luôn đề cao vai trò, trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Cùng với đó, hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân cũng được tăng cường đã khắc phục dần tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp, các ngành trong giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Ngoài đối thoại định kỳ, mỗi khi có vụ việc “nóng” phát sinh, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã trực tiếp xuống địa bàn đối thoại cùng Nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và những vấn đề Nhân dân quan tâm để kịp thời tháo gỡ, qua đó củng cố vững chắc niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Những năm gần đây, Thanh Hóa đã mạnh dạn trao quyền đo lường, đánh giá mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước cho tổ chức, công dân. Cách làm này cho thấy Thanh Hóa đang đi đúng hướng khi năm 2020, Thanh Hóa vượt qua nhiều tỉnh, thành phố và “về đích” ở vị trí thứ 13/63 trên bảng xếp hạng của cả nước. Năm 2021 chưa công bố vị trí xếp hạng nhưng với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong xây dựng nền hành chính phục vụ, tin tưởng rằng cộng đồng doanh nghiệp và người dân sẽ tiếp tục trao gửi niềm tin để Thanh Hóa hiện thực hóa mục tiêu top 10 cả nước về chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng).

Cùng với trách nhiệm giải trình, Thanh Hóa xác định kiểm soát tốt tham nhũng là “chìa khóa” tạo sự minh bạch, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của khu vực công. Đặc biệt, ngăn ngừa tham nhũng trong khu vực công cũng là một trong những điều mong mỏi nhất của người dân. Để kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, hoạt động hiệu quả. Cơ chế trong tổ chức thi tuyển, tiếp nhận, điều động công chức, viên chức từ tỉnh đến cấp xã luôn được đổi mới, chú trọng người có năng lực và phẩm chất để bắt kịp với yêu cầu thực tiễn.

Đến nay, Thanh Hóa đã đưa 1.535 TTHC của 19 ban, sở, ngành, đơn vị vào thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Nhiều địa phương, đơn vị cũng đã hoàn thiện, bổ sung các dịch vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC chính như tin nhắn SMS tự động thông báo kết quả giải quyết hồ sơ cho tổ chức, công dân; tổng đài 02373 900900 hỗ trợ giải quyết TTHC khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Đặc biệt, cổng dịch vụ công, hệ thống “một cửa” điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC, đưa chính quyền đến gần với người dân. Thanh Hóa là 1 trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên của cả nước kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện đang cung cấp 2.079 TTHC, trong đó có 831 TTHC mức độ 3 và 4, phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi, công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC cho người dân. Thông qua giải quyết TTHC, người dân được đánh giá trực tiếp về sự hài lòng của mình qua hình thức bấm nút trực tiếp tại quầy giao dịch hoặc bằng cách trả lời qua phiếu đánh giá… Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ công chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ TTHC; nghiêm cấm việc tiếp nhận hồ sơ tại phòng làm việc cũng được các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc nhằm ngăn ngừa tình trạng phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp và người dân; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, tạo dựng niềm tin trong Nhân dân.

Trong 7 chỉ số nội dung mà Thanh Hóa nằm trong nhóm cao nhất cả nước, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 7,81 điểm, đứng thứ 2 sau Bình Dương. Một kết quả không dễ để có được!

Niềm tin của Nhân dân - đó không chỉ là những lá phiếu điều tra xã hội học hay những cuộc phỏng vấn được thực hiện hàng năm mà đó còn là sự đồng thuận, ủng hộ thực hiện các chủ trương của Trung ương, tỉnh, huyện và xã; là sự tham gia một cách chủ động của người dân để góp phần xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng vững mạnh. Minh chứng rõ nhất cho giá trị niềm tin mà Thanh Hóa tạo dựng được trong lòng Nhân dân đó là việc phát huy dân chủ trong tham gia bỏ phiếu bầu trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố - hạt nhân nhỏ nhất trong hệ thống chính trị. Qua đó, thể hiện quyền chủ động của người dân trong việc tham gia quyết định tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ cấp nhỏ nhất. Tiếp đó là sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết 786 của Ủy ban Thương vụ Quốc hội. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do nhưng được sự đồng thuận, ủng hộ, nhất trí cao từ phía người dân, Thanh Hóa đã làm được, làm một cách thành công khi giảm từ 635 xã, phường, thị trấn xuống còn 559 xã, phường, thị trấn. Đây là con số của sức mạnh niềm tin, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy. Hay cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Thanh Hóa đã thành công rất tốt đẹp với 99,75% cử tri đi bỏ phiếu, đạt tỷ lệ cao nhất trong từ trước tới nay. Kết quả này thể hiện sự đồng thuận, đoàn kết, phát huy dân chủ cao trong Nhân dân, thể hiện sự tin tưởng sâu sắc của Nhân dân đối với đảng, nhà nước và đại biểu ĐBQH, HĐND các cấp.

Nhìn lại kết quả điều tra về 8 chỉ số nội dung PAPI những năm vừa qua, Thanh Hóa nhận thấy rằng, việc người dân chưa hài lòng với hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp do những “nút thắt” niềm tin chưa được cởi bỏ. Sử dụng “chìa khóa” công khai – minh bạch – phục vụ như thế nào để mở “nút thắt” niềm tin, tạo sự hài lòng từ phía người dân đã được Thanh Hóa vào cuộc quyết liệt. Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt, thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở; là những đổi mới, sáng tạo, đột phá trong thu hút nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phục vụ tốt nhất cho đời sống Nhân dân; là ưu tiên nguồn lực thỏa đáng để đưa các xã, thôn, bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; là khuyến khích người dân chủ động tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã, phường, thị trấn văn minh theo cách lấy người dân là chủ thể; là thuận lợi nhất cho người dân trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) liên thông từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh… Hàng loạt những đổi mới, đột phá, sáng tạo được áp dụng đã đem lại cho Thanh Hóa không chỉ là sự phát triển bằng tăng trưởng GRDP nằm trong top 5 địa phương cao nhất cả nước năm 2021 mà đó là chỉ số hài lòng của Nhân dân với chính quyền các cấp ngày càng được nâng cao.

Cùng với đổi mới, tạo đột phá phát triển, Thanh Hóa đã soi rõ 8 nội dung đánh giá của bộ chỉ số PAPI quốc gia hàng năm và nhận ra rằng việc tháo gỡ những “nút thắt” niềm tin của Nhân dân phải bắt đầu từ con người, đó là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh phải gần dân, sát dân, trọng dân, nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân. Chính vì vậy, tỉnh đã tạo môi trường tốt nhất để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, rèn luyện, được cống hiến, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Cùng với việc đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ, hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm, Thanh Hóa đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để mỗi cán bộ, công chức, viên chức thực sự liêm chính, tận tụy khi phục vụ Nhân dân và xử lý nghiêm các hành vi gây phiền hà cho người dân. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị gắn với công việc của mỗi người; lấy kết quả, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý và thực hiện nhiệm vụ.

Không phải ngẫu nhiên khi 8 chỉ số nội dung, 29 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu thành phần cấu thành chỉ số PAPI năm 2021 được khảo sát từ  người dân, Thanh Hóa có tới 7/8 chỉ số nội dung tăng mạnh, nằm trong nhóm cao nhất cả nước đó là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Riêng chỉ số TTHC công, Thanh Hóa nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước. Đó là “trái ngọt” từ gốc rễ đã được Thanh Hóa “gieo trồng” và nỗ lực “chăm sóc, vun đắp” suốt nhiều năm qua.

Bầu không khí đổi mới cùng quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở đã truyền “sức nóng” đến từng cán bộ, công chức, viên chức - đó là “chìa khóa” quan trọng giúp Thanh Hóa vượt qua nhiều tỉnh, thành phố khác, vươn lên một cách “ngoạn mục” trên bảng xếp hạng PAPI năm 2021 và nằm trong top 3 tỉnh dẫn đầu cả nước với 47,102 điểm, sau Thừa Thiên Huế (48,059 điểm) và Bình Dương (47,187 điểm). Đáng phấn khởi, chỉ số thành phần về sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở tăng từ 4,84 điểm lên 5,85 điểm (cao nhất cả nước); chỉ số công khai, minh bạch tăng từ 5,44 điểm lên 6,20 điểm (đứng thứ 2 cả nước cùng với Thừa Thiên Huế và đứng sau Bình Dương 6,25 điểm); chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng từ 7,19 điểm lên 7,81 điểm (đứng thứ 2 cả nước sau Bình Dương 8,15 điểm)… Kết quả này là sự phản ánh thực chất, khách quan nhất cho hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền theo hướng kiến tạo, phục vụ.

Như vậy, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Thanh Hóa đã hiện thực hóa thành công mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI theo “Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021–2025” đã đề ra. Bước tiến mới về chỉ số PAPI mà tỉnh đạt được là niềm vui mừng, phấn khởi, song cũng đặt ra cho Thanh Hóa trách nhiệm lớn hơn, cao hơn để giữ vững và bứt phá mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Do đó, Thanh Hóa xác định đây là hành trình không có điểm dừng và tham gia “cuộc đua” đánh giá chỉ số PAPI, mục tiêu của tỉnh không phải là giành điểm số, vị trí cao mà quan trọng nhất là hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu về đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải tiếp tục hành động quyết liệt để hiệu quả cải cách hành chính phải “đong, đo, đếm” được chứ không phải chạy theo thành tích.

Không vội hài lòng với kết quả đạt được, Thanh Hóa còn phấn đấu làm tốt hơn nữa, đưa công tác cải cách hành chính đi vào chiều sâu, hình thành “vững chắc” tư duy phục vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đó là lý do để Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính, trong đó có các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch lớn với nhiều nhóm giải pháp cụ thể, phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Trong đó, con người là một trong những khâu then chốt quyết định sự phát triển và đổi mới nên tỉnh đặc biệt coi trọng công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc tiếp công dân và doanh nghiệp định kỳ để tiếp thu, lắng nghe, đối thoại và giải quyết kịp thời, triệt để, thấu đáo các phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân; tạo điều kiện để người dân được tham gia, có ý kiến đề xuất vào các hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Các ngành, các địa phương tiếp tục rà soát, đối chiếu các chỉ số nội dung, chỉ số nội dung thành phần thấp điểm thuộc phạm vi, lĩnh vực, trách nhiệm của đơn vị mình để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế.

Để thực hiện một cách toàn diện và đồng bộ, các địa phương tập trung thực hiện nghiêm Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gắn với đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công khai, minh bạch trong các hoạt động, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến kết quả thu, chi ngân sách hàng năm, công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, kế hoạch sử dụng đất đai… Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, bảo hiểm, khám chữa bệnh, hộ tịch… Cùng với trách nhiệm giải trình, cán bộ, công chức phải tìm hiểu kỹ những vấn đề người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng để ưu tiên giải quyết.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Rà soát, triển khai các giải pháp cung ứng dịch vụ công đầy đủ, bảo đảm tiện lợi cho người dân; đẩy mạnh phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua cổng dịch vụ trực tuyến để tránh tương tác trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức nhằm ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp. Tăng cường công tác hỗ trợ người dân, nhất là người dân ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, những người khó khăn trong sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh để thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Quyết tâm về một hành trình không có điểm dừng, mới đây lần đầu tiên UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) năm 2021. Việc làm này đặt các các sở, ngành, địa phương của tỉnh vào tâm thế thường trực cải cách và nâng cao chất lượng hành chính công, thay vì việc rà soát, cải cách mỗi khi xảy ra sự cố. Cũng qua hoạt động đánh giá này thể hiện thông điệp cơ quan Nhà nước các cấp sẵn sàng lắng nghe góp ý từ doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân để thay đổi, nỗ lực cải cách những vấn đề mà doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân chưa hài lòng.

Với sự định hướng rõ ràng và hành động quyết liệt, Thanh Hóa quyết tâm giữ vững và chinh phục mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về các chỉ số cải cách hành chính (PAR INDER), chỉ số hài lòng (SIPAS), chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vào năm 2025.

Item 1 of 3

Tổ chức sản xuất: Tuấn Hoàng

Nội dung & Ảnh: Lê Dung - Thu Vui

Trình bày: Mai Huyền.